Nghiên cứu vi phẫu cắt ngang và soi bột thân và lá tầm gửi gạo. Kết quả cho thấy: trong vi phẫu của thân và lá tầm gửi gạo đều có các thành phần bần-biểu bì, mô mềm, xen kẽ là các đám sợi và libe-gỗ, tầng phát sinh libe-gỗ không rõ rệt. Đặc trưng của bột tầm gửi gạo là các tinh thể canxi oxlate hình khối lập thể, các mảnh mạch vòng, mạch điểm rất rõ ở thân nhiều hơn so với bột lá.
Mục lục
ĐẶT VẤN ĐỀ
Các sản phẩm tự nhiên có nguồn gốc từ bài thuốc cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu phát triển thuốc mới. Tầm gửi gạo (Taxillus chinensis (DC.) Danser), thuộc họ Loranthaceae có nhiều tác dụng như bổ thận, bổ huyết….
Loài này được dùng rộng rãi ở Trung Quốc và Việt Nam để điều trị các hội chứng thận yếu như đau lưng, mỏi gối, viêm khớp, dọa sảy thai, tăng huyết áp, đau thắt ngực, đột quỵ, loạn nhịp nhanh, nhờ tác dụng ức chế miễn dịch, an thần, chống tăng huyết áp, kích thích co bóp tế bào cơ tim, gây giãn mạch vành và ức chế co tử cung
Hình 1: Tầm gửi gạo (Taxillus chinensis)
Ở Việt Nam, tầm gửi gạo phân bố chủ yếu ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang…
Trữ lượng dược liệu này trong tự nhiên rất hạn chế và giá thành cao. Hiện nay, đã có hiện tượng làm giả tầm gửi gạo để bán cho người tiêu dùng, khiến hiệu quả điều trị của vị thuốc không ổn định. Do đó, việc tiêu chuẩn hóa dược liệu tầm gửi gạo rất cần để tránh nhầm lẫn với các loại dược liệu khác.
Trong bài báo này, chúng tôi thông báo kết quả nghiên cứu đặc điểm vi phẫu và bột tầm gửi gạo, làm cơ sở cho việc tiêu chuẩn hóa dược liệu này bằng phương pháp hiển vi.
NGUYÊN LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nguyên liệu
Tầm gửi gạo – Taxillus chinensis (DC) Danser (hình 1) đang ra hoa và quả, thu hái tại Hiền Quang, Tam Nông, Phú Thọ vào tháng 6 – 2014. Lưu trữ các mẫu nghiên cứu tại Phòng Tiêu bản, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng sản xuất thuốc, Học viện Quân y.
Phương pháp nghiên cứu
- Dược liệu tươi sau khi thu hái được rửa sạch và đem cắt tiêu bản.
- Một phần dược liệu khác được tách riêng phần lá và thân, sấy khô ở nhiệt độ 80oC tới khối lượng không đổi, sau đó, dùng thuyền tán và chày cối sứ nghiền nhỏ.
- Rây lấy bột mịn, dùng kim mũi mác lấy bột dược liệu cho lên phiến kính đã nhỏ sẵn một giọt glycerin.
- Đặt lamen lên và quan sát đặc điểm bột dược liệu dưới kính hiển vi .
- Phần thân chính cắt cách chồi đỉnh khoảng 2 cm, lá cắt ở 1/3 gân chính tính từ cuống lá. Tẩy các lát cắt bằng nước javen, sau đó nhuộm theo phương pháp nhuộm kép.
- Quan sát đặc điểm vi phẫu dưới kính hiển vi.
- Chụp ảnh đặc điểm vi phẫu và bột dược liệu dưới kính hiển vi bằng máy ảnh CANON. Xử lý ảnh bằng phần mềm PHOTOSHOP CS8.
Kết quả nghiên cứu và bàn luận
Kết quả vi phẫu thân của Tầm gửi gạo
Hình 2: Hình ảnh vi phẫu thân tầm gửi gạo
1: Bần-biểu bì;
2: Mô mềm vỏ;
3: Bó sợi;
4: Libe;
5: Gỗ
Nhận xét: Quan sát hình ảnh vi phẫu thấy mặt cắt thân hình gần tròn, từ ngoài vào trong có các đặc điểm mặt cắt ngang có thiết diện tròn.
Lớp bần gồm nhiều hàng tế bào xếp thành vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm (1), mặt ngoài phủ một lớp cutin mỏng. Mô mềm vỏ là những tế bào hình trứng hay đa giác thành mỏng (2). Trong mô mềm, rải rác có đám mô cứng hay đám sợi (3). Libe gồm các bó nhỏ, ngoài mỗi bó có bó sợi, tầng phát sinh libe-gỗ không rõ. Phần libe-gỗ rất phát triển, libe phía ngoài (4), phần gỗ phía trong xếp thành dải (5). Trong cùng là mô mềm ruột được cấu tạo bởi các tế bào hình tròn hay đa giác có kích thước lớn, thành mỏng, rải rác có chứa đám tinh thể canxi oxalat hình khối.
Kết quả vi phẫu lá của Tầm gửi gạo
Hình 3: Vi phẫu lá tầm gửi gạo.
1: Biểu bì; 2: Mô dày;
3: Mô giậu; 4: Mô mềm;
5: Mô cứng; 6: Gỗ;
7: Tinh thể canxi oxalate;
8: Libe
Nhận xét: Quan sát hình ảnh vi phẫu lá cho thấy: Gân lá: phía trên hơi lồi, phía dưới lồi nhiều. Biểu bì trên và dưới gồm một hàng tế bào hình chữ nhật nhỏ, xếp đều đặn, phía ngoài được phủ lớp cutin mỏng. Sát biểu bì là lớp mô dày. Mô mềm là tế bào thành mỏng, hình đa giác hay hình trứng. Trong mô mềm có các đám mô cứng tạo thành cung rải rác bao quanh bó libe-gỗ.
ó 3 bó libe-gỗ lớn ở 3 gân chính, cung libe phía trên và phía dưới bao quanh bó gỗ. Gỗ cấu tạo bởi mạch gỗ xếp thành hàng xen kẽ trong nhu mô tạo thành các bó riêng biệt. – Phiến lá: biểu bì trên và dưới là một hàng tế bào hình chữ nhật, tương tự gân lá. Mô giậu không rõ. Trong mô mềm có thể cứng và rải rác có tinh thể canxi oxalat hình khối.
Kết quả soi bột dược liệu lá
Hình 4: Hình ảnh vi phẫu bột lá tầm gửi gạo
Nhận xét: Soi dưới kính hiển vi quan sát thấy bột màu vàng lục, không mùi, không vị. Các mảnh mạch điểm (1), mảnh mạch mạng, mạch xoắn (2, 3). Mảnh biểu bì mang lỗ khí (4), mảnh mô mềm lá có tế bào hình đa giác thành mỏng. Sợi đứng riêng lẻ hay tụ thành bó. Tế bào mô cứng có nhiều hình dạng khác nhau, thành dày, khoang hẹp. Tinh thể canxi oxalat hình cầu gai (5) và hình khối (6, 7, 8).
Kết quả soi bột dược liệu thân
Hình 5: Đặc điểm bột thân tầm gửi gạo
Nhận xét: Soi dưới kính hiển vi quan sát thấy bột màu vàng lục, không mùi, không vị. Các mảnh mạch vòng (1, 2), bó sợi (3), mảnh mạch mạng, mạch điểm (4, 5). Mảnh mang màu (6), mảnh mô mang các tinh thể canxi oxalate (7). Tinh thể canxi oxalat hình khối (8, 9).
KẾT LUẬN
- Đã mô tả đặc điểm vi phẫu và bột dược liệu tầm gửi gạo.
- Kết quả cho thấy: trong vi phẫu của thân và lá tầm gửi gạo đều có các thành phần bần, biểu bì, mô mềm, xen kẽ là đám sợi và libe-gỗ, tầng phát sinh libe-gỗ không rõ rệt.
- Bột tầm gửi gạo có tinh thể canxi oxlate hình khối lập thể. Các mảnh mạch vòng, mạch điểm rất rõ ở thân nhiều hơn so với bột lá.
- Kết quả này bước đầu góp phần xây dựng và tiêu chuẩn hóa dược liệu tầm gửi gạo.
Nguồn: Nguyễn Xuân Thủy, Chử Văn Mến, Vũ Bình Dương (2014), Nghiên cứu đặc điểm vi phẫu của thân và lá cây tầm gửi cây gạo (Taxillus chinensis), Tạp chí Y- Dược học quân sự, số 8.