Rau cần dại, một loại cây mọc hoang ở ven sông, ao hồ hay những vùng đất ẩm, có vẻ ngoài tương tự rau cần nước, thường khiến nhiều người tò mò liệu nó có thể sử dụng làm thực phẩm hay không. Vậy rau cần dại có thực sự ăn được và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu!
Mục lục
1. Một số loại rau cần dại phổ biến
1.1. Rau cần nước dại
Tên tiếng Việt: Rau cần dại
Tên khoa học: Oenanthe dielsii Boiss. – O. thomsonii Boiss.
Họ thực vật: Apiaceae
Phân bố: Lạng Sơn, Sơn La, Lâm Đồng. Cây mọc tự nhiên nơi ẩm lầy ven rừng, trên ruộng trũng nước.
Hình thái:
Rau cần dại có đặc điểm khá giống với rau cần nước (thân dài, có đốt, lá xử thành nhiều thùy mọc so le) tuy nhiên kích thước nhỏ hơn, lá có thể xẻ ít hơn.
Môi trường sống:
Sống ở nhiều môi trường, có thể cả trên cạn và dưới nước, thường được xem là cỏ dại.
Công dụng:
Trong y học cổ truyền rau cần dại được dùng để làm thuốc chữa bệnh dạ dày.
1.2. Rau cần trôi
Tên gọi và phân loại:
- Rau cần trôi còn gọi là ráng gạc nai, quyết gạc nai, cây trôi tàu.
- Tên khoa học: Ceratopteris thalictroides (L.) Brongn.
- Thuộc họ dương xỉ, sống lâu năm ở vùng bán cạn, không liên quan đến cây rau cần thông thường.
Phân bố:
- Loại rau này mọc hoang ở các vùng đầm lầy, ven sông suối ở Việt Nam (Tam Đảo, Ba Vì, Chùa Hương, Hòa Bình, Phú Thọ, Cao Bằng) và các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.
- Thích nghi tốt ở khí hậu nhiệt đới gió mùa và độ cao dưới 1.000m.
Đặc điểm sinh học:
- Sống thủy sinh, tuổi thọ cao.
- Lá mọc thành túm, cuống dày, xốp, phiến lá xẻ lông chim giống rau cần ta.
- Thân rễ ngắn, thường mọc thẳng đứng.
Công dụng y học:
- Y học dân gian: Chữa hen suyễn, rắn cắn, giải độc, chữa bệnh ngoài da.
- Ở Trung Quốc: Trị ho hen, đờm tích, tiểu đục, vết thương chảy máu.
- Ở Ấn Độ, Malaysia: Dùng lá chữa các bệnh ngoài da.
1.3. Mao lương
Mao lương cũng là một loại rau cần dại, còn có tên gọi khác là chu liên, thạch long nhục.
Mô tả:
Cây thảo sống hàng năm, cao 0,3-0,7m. Thân và cành mọc thẳng, nhẵn. Lá phía gốc xẻ 3 thùy; lá giữa và gần ngọn xẻ thành dải nhỏ, ngắn. Hoa nhỏ, màu vàng nhạt, mọc thành cụm ở đầu ngọn. Quả hình trứng hơi dẹt. Mùa hoa quả từ tháng 5-7.
Phân bố:
Thường gặp ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (Hà Giang, Điện Biên, Lạng Sơn…), ưa sáng và ẩm. Mọc ở ven rừng, ven đường, bờ nương. Cây sinh trưởng mạnh vào mùa xuân-hè và tàn lụi vào mùa thu-đông.
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thành phần hóa học: Protoanemonin (chất gây phồng rộp da) khi tươi, chuyển hóa thành anemonin ít độc hơn khi phơi khô. Hạt chứa protein, dầu béo, ranunculin, và tannin.
Công dụng:
- Chữa thận yếu, thấp khớp, lao hạch, sốt rét.
- Giã nát dùng ngoài chữa viêm, rắn cắn, lở loét.
- Ở Ấn Độ, dùng để làm phồng da hoặc chữa đau dây thần kinh.
Rau cần dại có ăn được không?
Không phải loại rau cần dại nào cũng ăn được. Mao lương là một loại rau cần dại có độc. Ở Trung Quốc, về tính vị, sách “Quảng Tây trung dược chí” ghi: toàn cây mao lương vị hơi cay, tính ấm, có độc; sách “Toàn quốc trung thảo dược hội biên” ghi: đắng, cay, bình, có độc; sách “Tân hoa bản thảo cương yếu” ghi: đắng, bản, tươi thì có độc; sách “Trung dược từ hải” ghi: đắng, cay, hàn, có độc. Mao lương (toàn cây) có công năng tiêu thũng, tán kết, trừ sốt rét, khù phong thấp. Quả mao lương vị đắng, cay, chua. tính bình (có tài liệu ghi tính hàn); có công năng trừ phiền khát, tâm nhiệt, âm hư thất tình, phong hàn thấp.
Nếu luộc mao lương ăn sẽ rất nguy hiểm, chất protoanemonin trong cây có thể gây bỏng da với biểu hiện cay, nóng rát miệng, phồng da và niêm mạc, ăn nhiều sẽ chết. Tuyệt đối không được ăn hoặc uống dịch tươi của cây mao lương. Mao lương chỉ được dùng với mục đích làm thuốc, khi dùng mao lương, phải dùng liều thấp và phải sắc thật kỹ.
Rau cần nước dại và rau cần trôi có thể chế biến sử dụng trong bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, rau cần trôi được ưa chuộng hơn. Rau cần trôi có vị đắng, tính mát, lá non của rau có thể chế biến thành các món xào, luộc, nấu canh, hoặc làm salad.
Rau cần trôi giòn tương tự măng tây nên còn được gọi là “măng tây Việt Nam”. Ở một số vùng, loại rau này được coi như đặc sản có giá trị cao. Giá rau cần trôi trung bình 120.000 đồng/kg. Không những vậy, rau cần trôi là loại cây cảnh thủy sinh được săn lùng, một số nơi bán với mục đích làm cảnh, giá khoảng 200.000 đồng/cây cao 20-30 cm.