Giảo cổ lam, một loại thảo dược được biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích nó mang lại, nhiều người lo lắng loại thảo dược này có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vậy thực hư như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Mục lục
6 tác dụng phụ có thể gặp khi dùng giảo cổ lam
Dịch chiết từ cây giảo cổ lam thường được đánh giá là an toàn và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên trong quá trình sử dụng, vẫn có thể xuất hiện một số tác dụng phụ, có thể kể đến như:
1. Rối loạn tiêu hóa
Uống giảo cổ lam có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở một số người như đầy hơi, tiêu chảy, chướng bụng… Theo y học cổ truyền, giảo cổ lam có tính hàn (mát), có thể làm lạnh dạ dày và gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt ở những người có cơ địa yếu, dễ bị lạnh bụng hoặc những người có hệ tiêu hóa yếu.
Ngoài ra, giảo cổ lam để qua đêm có thể gây biến chất. Khi sử dụng cũng có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa.
Amanda Rao và cộng sự (năm 2021) đã thực hiện nghiên cứu sử dụng viên nang chứa chiết xuất giảo cổ lam để cải thiện cân nặng, giảm chỉ số mỡ máu. Trong số 150 người được nghiên cứu có 5 người gặp các tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, khô họng, chóng mặt và mất ngủ. Như vậy, mặc dù tỷ lệ người gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa là thấp nhưng khi sử dụng chúng ta cần phải chú ý.
2. Kích thích thần kinh gây mất ngủ
Giảo cổ lam có thể gây kích thích thần kinh và dẫn đến mất ngủ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là các hợp chất saponin. Chúng có tác dụng kích thích hoạt động của não bộ, tăng năng lượng và tăng cường sự tỉnh táo.
Mặc dù điều này có thể có lợi trong việc giảm mệt mỏi và cải thiện tinh thần trong ngày, nhưng nếu uống giảo cổ lam vào buổi tối hoặc trước khi ngủ, nó có thể làm tăng hoạt động thần kinh, tăng nhịp tim, dẫn tới não bộ căng thẳng và khó đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Vì vậy, một số người sau khi uống giảo cổ lam gặp phải tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, khiến cơ thể mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Do đó, thời điểm sử dụng giảo cổ lam cần được điều chỉnh cho phù hợp để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
3. Hạ huyết áp
Giảo cổ lam có chứa hoạt chất phanosid tác dụng kích thích insulin hoạt động giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên ở một số người nó có thể gây hạ huyết áp nếu sử dụng với liều lượng lớn. Sự giảm đột ngột hoặc quá mức của huyết áp có thể gây ra cảm giác mệt mỏi, choáng váng hoặc nhức đầu.
Hơn nữa, hạ huyết áp cũng có thể làm giảm lưu lượng máu đến não, gây ra các rối loạn về giấc ngủ và làm cho giấc ngủ trở nên chập chờn, không sâu.
4. Dị ứng
Giảo cổ lam chứa nhiều hợp chất sinh học như saponin, flavonoid, polysaccharid… Mặc dù những hợp chất này thường có lợi cho sức khỏe, nhưng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Nếu hệ miễn dịch coi chúng là “kẻ xâm nhập” cơ thể phản ứng lại dẫn đến các triệu chứng như phát ban, ngứa, khó thở, sưng tấy…
Các biểu hiện này thường thấy ngay sau lần sử dụng đầu tiên và có thể nghiêm trọng nếu dùng lượng lớn. Vì vậy, trong lần dùng giảo cổ lam đầu, người dùng được khuyến cáo uống với lượng thấp để kiểm tra phản ứng của cơ thể. Sau đó, nếu không có vấn đề gì xảy ra mới sử dụng liều được khuyến cáo để cho kết quả điều trị tốt nhất.
5. Tương tác với các loại thuốc khác
Giảo cổ lam có thể gây tương tác với một số loại thuốc khác do chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như saponin, flavonoid và polysaccharide. Những hợp chất này có khả năng ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ, chuyển hóa và bài tiết thuốc. Ví dụ, giảo cổ lam có thể làm thay đổi hoạt động của các thuốc như thuốc làm giảm hệ miễn dịch (azathioprine, basiliximab, cyclosporine, daclizumab…) hay thuốc làm chậm quá trình đông máu (aspirin, clopidogrel, ibuprofen…)…
Khi phản ứng tương tác xảy ra, hiệu quả điều trị của thuốc có thể không như mong đợi, thậm chí gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Nếu đang sử dụng thuốc tây, người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị có thể uống giảo cổ lam không để đảm bảo an toàn.
6. Tăng nguy cơ chảy máu
Giảo cổ lam làm giảm hoạt động của các yếu tố đông máu trong cơ thể, gây khó khăn cho quá trình hình thành cục máu đông để ngăn ngừa chảy máu. Điều này giúp giảm tình trạng xuất hiện cục máu đông, ngăn ngừa xơ vữa động mạch nhưng cũng có thể gây khó khăn trong việc cầm máu khi bị chảy máu. Vì vậy, những người mắc bệnh máu khó đông, hay đang sử dùng thuốc chống đông máu thường phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Ai không nên sử dụng giảo cổ lam?
Mặc dù giảo cổ lam có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng loại thảo dược này. Những nhóm người sau đây nên tránh hoặc cẩn thận khi sử dụng giảo cổ lam:
Phụ nữ mang thai và cho con bú: Hiện chưa có đủ nghiên cứu để xác định độ an toàn khi sử dụng giảo cổ lam cho phụ nữ mang thai và cho con bú, vì vậy nên tránh sử dụng để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Người có huyết áp thấp: Giảo cổ lam có tác dụng hạ huyết áp, do đó, những người có huyết áp thấp hoặc đang sử dụng thuốc hạ huyết áp cần thận trọng khi sử dụng, vì có thể tụt huyết áp đột ngột.
Người có hệ tiêu hóa kém: Những người thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, lạnh bụng, hệ tiêu hoá kém… tốt nhất nên hạn chế sử dụng thảo dược này để đảm bảo an toàn.
Người đang dùng thuốc: Giảo cổ lam có thể gây tương tác với các thuốc đang sử dụng. Vì vậy, những người đang uống thuốc tây y nên tránh sử dụng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ và cần theo dõi kỹ lưỡng nếu dùng chung.
Người có tiền sử dị ứng với thảo dược: Nếu bạn đã từng bị dị ứng với các loại thảo dược khác, nên cẩn thận khi sử dụng giảo cổ lam, vì có thể gây phản ứng dị ứng.
Người bị thận hư, sỏi thận: Sử dụng giảo cổ lam có thể tạo áp lực lên thận, giảm hoạt động của cơ quan này khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Người bị máu khó đông hay đang sử dụng thuốc chống đông máu: Giảo cổ lam giúp giảm hình thành cục máu đông, vì vậy nếu bị máu khó đông hay đang sử dụng thuốc chống đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, xuất huyết khi dùng.
Hướng dẫn sử dụng giảo cổ lam an toàn
Cách sử dụng giảo cổ lam rất đơn giản. Sau khi thu hái, giảo cổ lam thường được phơi hoặc sao khô rồi sử dụng. Bạn chỉ cần đun 5g giảo cổ lam với 500ml nước trong khoảng 10 – 15 phút để dưỡng chất ra hết hoặc cũng có thể hãm với nước như trà. Nước giảo cổ lam này được khuyến cáo uống trong ngày.
Nên uống giảo cổ làm vào buổi sáng để giúp tinh thần minh mẫn, hạn chế mất ngủ, kích thích thần kinh vào ban đêm.
Liều lượng sử dụng giảo cổ lam cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế hoặc trên bao bì từng loại sản phẩm. Thông thường, mỗi ngày cần dùng 5 – 10g dược liệu khô hoặc 10 – 15g giảo cổ lam tươi. Không dùng quá 60g dược liệu khô/ngày.
Ngoài ra, khi sử dụng giảo cổ lam cũng cần chú ý một số thông tin sau để đảm bảo an toàn và hiệu quả:
Tham khảo ý kiến bác sĩ: Trước khi bắt đầu sử dụng giảo cổ lam, đặc biệt nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác hoặc có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các tương tác hoặc tác dụng phụ không mong muốn.
Theo dõi phản ứng cơ thể: Khi bắt đầu sử dụng, nên theo dõi phản ứng của cơ thể để phát hiện sớm các biểu hiện như ngứa, phát ban, đau đầu, hoặc mệt mỏi… Ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng này.
Không sử dụng kéo dài: Giống như nhiều loại thảo dược khác, giảo cổ lam không nên được sử dụng liên tục trong thời gian dài mà không có sự giám sát của chuyên gia y tế. Giữa các liệu trình nên có thời gian nghỉ.
Tránh sử dụng với các loại thuốc tây: Như đã đề cập, giảo cổ lam có thể tương tác với thuốc khác nên tránh sử dụng giảo cổ lam nếu bạn đang dùng các loại thuốc này trừ khi có sự đồng ý của bác sĩ.
Chất lượng sản phẩm: Chọn mua giảo cổ lam từ các nhà sản xuất uy tín để đảm bảo sản phẩm không bị nhiễm bẩn hoặc pha tạp chất, tồn dư thực phẩm bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến hiệu quả và an toàn.
Lưu ý với đối tượng đặc biệt: Phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em, và người cao tuổi, người bị huyết áp thấp… nên cẩn thận khi sử dụng giảo cổ lam, và chỉ sử dụng khi có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Trên đây là một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng giảo cổ lam và hướng dẫn sử dụng. Mong rằng bài viết có thể giúp bạn dùng giảo cổ lam đúng cách để mang lại lợi ích cho sức khoẻ mà không gây ra các rủi ro không đáng có.