Nhiều người tin tưởng rằng thuốc nam lành tính, ít tác dụng phụ nên an tâm sử dụng, tuy nhiên hiện nay có rất nhiều tin tức nói rằng uống thuốc này có thể gây hại thận. Vậy thực hư uống thuốc nam nhiều có hại thận không? Khám phá câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Uống thuốc nam nhiều có hại thận không?
Có những người sau khi uống thuốc nam đã gặp phải những vấn đề về thận dẫn tới phải nhập viện cấp cứu. Những trường hợp này chủ yếu do những nguyên nhân dưới đây:
1.1. Do độc tính nội tại của thuốc đối với thận
Nhiều người nghĩ rằng thuốc nam lành tính, không độc hoặc ít độc hơn thuốc tây. Quan niệm này có thể đúng với phần lớn thuốc nam, bởi chúng bắt nguồn từ thiên nhiên cây cỏ thân thiện với con người hơn là thuốc tây được tổng hợp từ con đường hóa học.
Tuy nhiên, quan điểm này là chưa đủ, bởi có một số ít loại thuốc nam có thể gây tổn hại tới sức khỏe, đặc biệt với thận. Thậm chí, có những cây thuốc nam rất độc, chỉ sử dụng với liều lượng nhỏ cũng có nguy cơ gây tử vong như cây lá ngón.
Có một số loại thuốc nam có nguy cơ gây hại cho thận, đặc biệt là dạng tươi không qua chế biến như rễ con của cây ô đầu, phần vỏ của cây hậu phác… Tại Mường Khương, Lào Cai một bệnh nhân 46 tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng khó thở, da lạnh, vã mồ hôi… vì bị ngộ độc aconitin do ăn canh củ ô đầu.
Ngoài ra, người dân cho rằng mật cá có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, giúp mắt sáng… dẫn đến rất nhiều người sử dụng và trúng độc mật cá, gây ra tình trạng suy thận nặng. Một bệnh nhân ở Tiền Giang sau khi uống 1/2 mật của con cá éc đã cảm thấy đau bụng, nôn ói liên tục… nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, thở mệt, và được kết luận rằng ngộ độc mật cá mức độ nặng, có biến chứng suy gan, suy thận nặng.
Ngoài ra, việc bảo quản thuốc nam không đúng cách cũng có thể hình thành các chất độc gây hại. Dùng lâu dài sẽ ảnh hưởng tới chức năng của thận.
1.2. Thuốc chứa nhiều tạp chất không rõ nguồn gốc
Tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc cũng là một trong những lý do khiến nhiều người gặp các vấn đề về thận. Vào năm 2021 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, một bà cụ 73 tuổi đã nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương gan và thận rất nghiêm trọng. Qua tìm hiểu thì thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bà cụ đã sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc kèm corticoid kéo dài để điều trị viêm khớp. Để cấp cứu, bệnh nhân phải thở oxy liều cao và sử dụng các loại thuốc ổn định gan, thận.
Không khó để bắt gặp rất nhiều lời rao bán thuốc nam chữa viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, tăng cân, đẹp da, bồi bổ cơ thể… Nhiều người sau khi nghe thông tin quảng cáo này trên các trang thương mại điện tử thì đã mua và sử dụng dẫn đến ngộ độc, suy gan, suy thận…
Tuy nhiên, người dùng có thể không hề biết họ trộn thêm những thành phần giảm đau, chống viêm nhanh như thuốc tây y thế hệ cũ, corticoid, tạp chất khác… Chúng giúp đem lại tác dụng ngay sau khi sử dụng, tuy nhiên khi dùng kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới chức năng thận.
Tình trạng nhiễm độc do các tạp chất không rõ nguồn gốc này thường gây hại từ từ, không dễ để phát hiện. Vì vậy, đến khi điều trị thì chức năng thận suy giảm nặng, cần thời gian điều trị lâu dài, tốn kém nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm: 10 cây thuốc nam chữa đau lưng hiệu quả
1.3. Tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn thầy thuốc
Rất nhiều bệnh nhân phải nhập viện bởi tự ý sử dụng thuốc nam không theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân 63 tuổi bị tụt huyết áp, suy đa dạng kèm theo suy thận nguy hiểm. Qua tìm hiểu thì thấy rằng, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường và huyết áp nhưng không đi khám. Ở nhà, bệnh nhân tự đi mua thuốc nam dạng viên bột về uống, tuy nhiên thực chất đây là paracetamol có tác dụng giảm đau và phenformin là thuốc điều trị tiểu đường nhưng bị cấm từ lâu.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do nhiều người tin rằng thuốc nam lành tính, an toàn nếu sử dụng, hay có thể thể sử dụng kéo dài. Tuy nhiên, cũng có không ít cây thuốc nam nếu dùng trong thời gian dài mà sai cách có thể dẫn tới phụ thuộc, nghiện thuốc, tổn thương thận, suy thận phải chạy thận nhân tạo.
Ngoài ra, một loại bệnh cũng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nếu dùng thuốc nam không tác động đúng vào đó có thể khiến bệnh nặng thêm.
Như vậy, nếu dùng thuốc nam không đúng có thể gây hại cho thận, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng.
2. Làm sao để dùng thuốc nam không hại thận?
Sau khi đã tìm hiểu được một số nguyên nhân khiến việc dùng thuốc nam gây hại cho thận thì dưới đây là một số biện pháp giúp người dùng giảm thiểu tình trạng này:
– Mua thuốc nam ở địa chỉ uy tín: Người dùng phải mua thuốc nam ở một địa chỉ uy tín, được Cục quản lý Y dược cổ truyền Bộ Y tế cấp phép. Đối với thảo dược được nhập khẩu từ nước ngoài cần có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ như tên, địa chỉ nhà sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, hàm lượng, công dụng, chỉ định, chống chỉ định, cách bảo quản…. Bởi những thuốc này thường sẽ được kiểm soát về chất lượng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe và không lẫn những tạp chất gây hại.
– Uống đủ nước để độc tố đào thải hết ra ngoài, ngăn ngừa lắng độc các tạp chất gây hại ở thận.
– Không tự ý sử dụng thuốc bừa bãi, phải theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để điều trị dứt điểm. Đảm bảo tuân theo đúng liều lượng, thời gian, thời điểm sử dụng, hạn chế tác dụng phụ không đáng có. Bởi thuốc nam có chứa hàm lượng hoạt chất nhỏ nên cần sử dụng đủ thời gian mới đem lại tác dụng.
Tuy nhiên thuốc nam thường không được uống hàng ngày liên tục mà hết đợt cần nghỉ một khoảng thời gian nhất định, dao động từ 3 – 7 ngày tùy theo loại thuốc. Thời gian này giúp cơ thể đào thải những độc tố còn lại sau khi sử dụng.
Bên cạnh đó, người dùng không nên tự ý uống thuốc nam để phòng bệnh khi chưa có bệnh. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa, thăm khám, nếu cần sử dụng thuốc thì uống dưới sự chỉ định của bác sĩ.
– Ngoài ra, người dùng cũng nên tìm hiểu kỹ về thuốc nam để biết được đặc tính, hoạt chất, cách sử dụng, dùng đúng cách. Điều này cũng sẽ giúp người dân nhận biết được những chiêu trò lừa đảo, quảng cáo thuốc nam chữa bách bệnh trên các trang mạng xã hội.
3. Một số loại thuốc nam có công dụng bổ thận
Kho tàng thuốc nam của nước ta rất phong phú, trong đó có không ít loại tốt với thận, giúp tăng cường chức năng thận hiệu quả như:
– Cây dành dành:
Theo y học cổ truyền, loại cây này có vị đắng chát, tính hàn thường được sử dụng để cải thiện các bệnh liên quan đến thận, suy giảm chức năng thận.
Theo nghiên cứu hiện đại, nó giúp ức chế quá trình dịch chuyển biểu mô, trung mô, hỗ trợ bảo vệ thận, làm chậm quá trình xơ hóa thận, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
Vì vậy, nước sắc cây dành dành được người dân sử dụng rất nhiều để bổ thận. Tuy nhiên, khi sử dụng cây dành dành cần chú ý những điều sau để đảm bảo an toàn và hiệu quả:
- Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú.
- Những người bị tỳ hư, tiểu chảy không nên dùng.
– Mã đề:
Đây là cây thuốc nam rất tốt với thận. Nó có vị ngọt thanh, tính hàn, quy vào can và thận, có công năng bổ khí huyết, tán sỏi, lợi tiểu, tăng thải acid uric dư thừa. Vì vậy, nó được sử dụng trong những trường hợp gặp các vấn đề về thận như suy giảm chức năng thận, sỏi thận…
Xem chi tiết: Tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của cây mã đề
Có một số lưu ý khi sử dụng cây mã đề làm thuốc như sau:
- Không nên uống mã đề vào buổi tối.
- Phụ nữ có thai, người bị táo bón, chứng tiểu nhiều không nên sử dụng.
- Không dùng cho người thận hư, dương khí hạ giáng, không có thấp nhiệt.
- Tránh dùng mã đề như trà giải khát hàng ngày, không dùng kéo dài và liều cao do nguy cơ gây rối loạn điện giải và kali.
- Khi dùng mã đề cần kiêng các chất kích thích gây nóng như bia, rượu, cà phê và gia vị nóng.
– Rau diếp cá:
Rau diếp cá có mùi tanh đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc thuốc. Theo Đông y, rau diếp cá có tính lạnh, vị cay, chua, có tác dụng lợi thủy, thanh nhiệt, giải độc, tăng cường hệ miễn dịch, kích thích tiêu hóa,…
Theo các nghiên cứu, rau diếp cá có chứa các flavonoid, alkaloid, terpenoid, phenolic, glycosid, acid amin, vitamin, khoáng chất, và các chất khác có tác dụng ức chế sự kết tủa của các chất trong nước tiểu, giúp phòng ngừa và làm tan sỏi thận. Rau diếp cá còn có khả năng làm giảm độ nhớt của nước tiểu, tăng lượng nước tiểu, giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, làm sạch thận.
Để sử dụng rau diếp cá chữa bệnh thận, có thể áp sắc nước lá rau diếp cá khô/ tươi hoặc ăn sống rau diếp cá.
- Rau diếp cá có tính lạnh, nên những người bị bệnh dạ dày, đại tràng, bụng yếu, hay bị tiêu chảy, nôn mửa không nên dùng rau diếp cá quá nhiều, có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, ợ chua, đau bụng.
- Tránh sử dụng nước rau diếp cá khi bụng đói vì sẽ làm cồn ruột, kích thích tiết dịch vị, gây hại cho niêm mạc dạ dày. Nên uống nước rau diếp cá sau khi ăn khoảng 30 phút .
- Rau diếp cá không nên dùng chung với các loại thuốc kháng sinh, chống viêm, hạ huyết áp, hạ đường huyết, vì có thể gây ra tương tác thuốc.
– Hạt cau:
Hạt cau có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp và giải độc, giúp cải thiện tình trạng suy yếu chức năng thận, ure niệu cao… Người dân thường nấu cháo hạt cau để bổ thận. Sau khi đun sôi hạt cau với nước, sôi trong khoảng 10 phút, lọc lấy phần nước cốt cho vào nấu cháo ăn sẽ giúp tăng cường chức năng thận hiệu quả.
Để đảm bảo an toàn, khi dùng hạt cau làm thuốc cần chú ý những thông tin sau:
- Thận trọng khi dùng cho người tỳ hư hạ hãm (sa dạ dày, thoát vị, sổ bụng…).
- Không sử dụng cho người không có trùng tính, không có khí trệ.
4. Dùng thuốc nam nhiều có nóng trong không?
Mỗi cây thuốc nam sẽ có 4 tính khí chính như hàn (lạnh), lương (mát), nhiệt (nóng), ôn (ấm). Khi sử dụng vào cơ thể, nó sẽ thể hiện những đặc trưng này.
Nếu cây thuốc nam có tính hàn, lương nó giúp cơ thể mát mẻ. Vì vậy, những cây này thường được sử dụng để thanh nhiệt, giải độc, chữa bệnh mùa hè, người bị chứng nhiệt như sốt cao, môi khô, tiểu tiện sẻn đỏ, đại táo kết…
Trong khi đó, những cây thuốc nam có tính nhiệt, ôn sẽ giúp chữa bệnh lạnh, chứng hàn như đau bụng đi ngoài do lạnh, cảm mạo phong hàn…
Vì vậy, khi dùng thuốc nam đúng cách sẽ giúp cơ thể được hài hòa, cân bằng, hoàn toàn không bị nóng trong. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai cách dùng thuốc nam có tính nhiệt, ôn cho người có cơ địa nhiệt thì sẽ nguy cơ gây nóng trong người, thậm chí là ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người dùng.
5. Dùng thuốc nam có uống được thuốc tây không?
Việc sử dụng cả Tây y và Đông y là một trong những cách được sử dụng trong việc chữa bệnh để nâng cao khả năng điều trị bệnh, giúp hạn chế tác dụng phụ đối với người bệnh.
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc không biết thuốc nam có uống được với thuốc tây không? thì câu trả lời là không, thời điểm uống tốt nhất nên là cách xa nhau. Bởi nhiều loại thuốc nam và thuốc tây nếu uống cùng nhau có thể làm giảm tác dụng, hay gây tương tác dẫn tới tăng tác dụng phụ.
Ví dụ như thuốc kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn, ức chế sự phát triển của vi khuẩn, men trong cơ thể sẽ làm giảm tác dụng nếu dùng chung với các cây thuốc nam có chứa vi sinh vật và nhiều loại men. Hay kết hợp thuốc gốc alkaloid như atropin, strychnin, theophyllin cùng với hoàng liên, ô đầu, mã tiền tử sẽ gây tăng độc tính và ngộ độc.
Vì vậy, tốt nhất nên uống thuốc nam và thuốc tây ít nhất 2 tiếng để đem lại hiệu quả tốt và an toàn cho sức khỏe.
Trên đây là những thông tin về chủ đề uống thuốc nam nhiều có hại thận không. Mong rằng bài viết có thể giúp bạn giải đáp nhiều thắc mắc để việc sử dụng thuốc nam đạt hiệu quả cao hơn.