Cà gai leo là thảo dược nổi tiếng với tác dụng bảo vệ, tăng cường chức năng gan. Ngoài ra, nó còn có các công dụng khác cho sức khỏe và được nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Vậy cà gai leo có những tác dụng gì? Chúng ta cùng khám phá chi tiết ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
6 Tác dụng không thể bỏ qua của cà gai leo
Dưới đây là 6 tác dụng nổi bật của cà gai leo không thể bỏ qua:
1. Tăng cường và bảo vệ chức năng gan
Theo y học cổ truyền, cà gai leo rất tốt cho gan. Người dân thường lấy phần rễ và dây để giải độc gan, tăng cường chức năng gan.
Theo nghiên cứu “Đánh giá tác dụng bảo vệ gan của cây cà gai leo trên mô hình gây tổn thương gan bằng paracetamol ở chuột nhắt trắng” của Trương Thị Thu Hiền và cộng sự (năm 2018) cho thấy cà gai leo có tác dụng bảo vệ gan và giảm tổn thương gan. Những con chuột bị gây tổn thương gan bằng paracetamol được uống chế phẩm cà gai leo cho thấy các thùy gan và bè gan không thay đổi về cấu trúc, tĩnh mạch trung tâm không giãn, tế bào gan không có tổn thương thoái hóa.
Tác dụng bảo vệ chức năng gan này được chứng minh là nhờ làm giảm hoạt tính AST, ALT (2 chỉ số men gan đặc trưng cho sức khỏe gan, tăng cao khi gan bị tổn thương) và hạn chế một phần các tổn thương gan do tác nhân paracetamol trên mô hình chuột nhắt.
Một nghiên cứu khác cho thấy cà gai leo còn giúp bảo vệ gan dưới tác hại của Trinitrotoluen (TNT) trên chuột. Nó giúp hạn chế tăng trọng lượng gan nhiễm độc, ngăn chặn thoái hóa sớm và giảm chảy máu ở nhu mô gan. Bên cạnh đó, cà gai leo còn làm giảm tổn thương, hoại tử nhu mô gan giúp bảo tồn được nan hoa của tiểu thùy gan.
2. Chống viêm và ức chế sự phát triển của xơ gan
Theo “Nghiên cứu cây cà gai leo làm thuốc chống viêm gan và ức chế xơ gan” của Nguyễn Thị Bích Thu (năm 2002) cho thấy cà gai leo có tác dụng chống viêm mạn, chống oxy hóa, bảo vệ gan và ức chế sự phát triển của xơ gan. Trên mô hình xơ gan, cà gai leo ngăn chặn cả về số lượng và chất lượng của xơ gan, làm giảm lượng collagen, giảm mức độ xơ về mô học.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dịch chiết cà gai leo và phần glycoalcaloid trong loại cây này có khả năng giảm trọng lượng của u hạt tới 42,2%. Nó có khả năng ức chế một số dòng tế bào ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư gan (Hep 3B, PLC/PRF)…
Ngoài ra, theo “Nghiên cứu hoạt tính chống oxy hóa của cà gai leo” của Nguyễn Bích Thu, Nguyễn Minh Khai và cộng sự (được đăng trên Tạp chí Dược liệu số 1/2001) cho thấy cà gai leo có tác dụng chống oxy hóa, giúp làm giảm tổn thương gan do oxy hóa gây ra. Điều này góp phần giúp chống viêm và bảo vệ gan hiệu quả của cà gai leo.
3. Điều trị viêm gan virus B
Không chỉ có tác dụng bảo vệ gan, cà gai leo còn giúp điều trị viêm gan virus B hiệu quả. Thuốc từ cà gai leo đã được nghiên cứu để hỗ trợ điều trị cho 90 bệnh nhân bị viêm gan virus B mãn tính thể hoạt động tại 3 bệnh viện lớn là Quân Y 103, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, Viện Quân y 354 cho thấy chiết xuất cà gai leo có khả năng ức chế sự nhân lên của virus HBV.
Bên cạnh đó, thuốc còn giúp cải thiện các triệu chứng do viêm gan B gây ra như mệt mỏi, nước tiểu vàng, da niêm mạc vàng, đau tức hạ sườn phải… và đưa men gan về mức bình thường.
4. Tác dụng giải độc rượu, giải rượu
Cà gai leo không chỉ nổi tiếng với tác dụng bảo vệ và hỗ trợ điều trị viêm gan mà còn được biết đến với khả năng giải độc và giải rượu hiệu quả. Tác dụng này mạnh đến nỗi chỉ cần chà răng hoặc ngấm rễ cà gai leo là có thể tránh được say rượu. Vì vậy mà trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi có nói “Người ta cho rằng trong khi uống rượu thỉnh thoảng xát răng bằng rễ cà gai leo sẽ đỡ say; nếu bị say, có thể uống nước sắc của rễ”.
Các thành phần hoạt chất trong cà gai leo, đặc biệt là glycoalkaloid và flavonoid, có khả năng tăng cường chức năng gan, giúp gan hoạt động hiệu quả hơn trong việc chuyển hóa và đào thải các chất độc hại, bao gồm cả ethanol từ rượu.
Bên cạnh đó, cà gai leo còn có khả năng bảo vệ tế bào gan khỏi các tổn thương do tác động của rượu, giảm viêm và phục hồi các tế bào gan bị hư hại.
Việc sử dụng cà gai leo sau khi uống rượu có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu như đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi và khó tiêu..
5. Tác dụng chữa ho
Theo y học cổ truyền, cà gai leo có tác dụng tiêu đờm trừ ho nên được người dân sử dụng để cải thiện nhiều trường hợp khác nhau như ho gà, ho khan, ho có đờm, suyễn…
Dân gian thường lấy rễ và thân lá cây cà gai leo cùng với chanh sắc uống để chữa ho do viêm họng.
6. Tác dụng chống viêm khớp, chữa tê thấp, đau lưng, nhức mỏi
Theo y học cổ truyền, cà gai leo có công dụng trừ phong, giảm đau lưng, đau nhức xương hiệu quả. Dựa vào đây nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh tác dụng này từ cà gai leo.
Theo nghiên cứu “Tác dụng chống viêm của Solanum procumbens ở liều thấp hoàn thiện mô hình viêm khớp ở chuột do chất bổ trợ Freund gây ra” của Đỗ Xuân Hải, Nguyễn Trọng Nghĩa và cộng sự (năm 2023) cho thấy chiết xuất từ cà gai leo làm giảm đáng kể tình trạng viêm khớp, viêm khớp dạng thấp. Tác dụng này là nhờ 5 hoạt chất có khả năng chống viêm là axit ursolic, β-sitosterol, axit hexadecanoic, axit cis -vaccenic và axit vanillic.
☛ Tìm hiểu: Uống cà gai leo có bị tụt huyết áp không?
Những ai nên sử dụng cà gai leo?
Với nhiều tác dụng nổi bật như trên, dưới đây là một số đối tượng được khuyên dùng cà gai leo bao gồm:
Người mắc bệnh gan: Những người bị viêm gan B, viêm gan C, xơ gan hoặc gan nhiễm mỡ… có thể sử dụng cà gai leo để hỗ trợ điều trị, bảo vệ và phục hồi chức năng gan.
Người thường xuyên uống rượu bia: Cà gai leo giúp giải độc gan và bảo vệ gan khỏi tác hại của rượu, giảm các triệu chứng say rượu và phòng ngừa các bệnh gan do rượu gây ra.
Người có chức năng gan kém: Những người có dấu hiệu gan yếu, chẳng hạn như mệt mỏi, chán ăn, vàng da, nên sử dụng cà gai leo để cải thiện sức khỏe gan.
Người bị viêm họng, ho: Nhờ tính kháng viêm, cà gai leo có thể giúp giảm viêm họng và làm dịu cơn ho.
Những người bị đau nhức xương khớp: Cà gai leo giúp chống viêm, cải thiện các triệu chứng viêm xương khớp như đau lưng, nhức mỏi…
☛ Tìm hiểu: Cà gai leo có độc không?
Hướng dẫn cách sử dụng cà gai leo để phát huy tác dụng tối đa
Để tận dụng tối đa lợi ích mà vẫn đảm bảo an toàn, người dùng cần biết sử dụng cà gai leo đúng cách. Dưới đây là các hướng dẫn cụ thể:
– Cách sử dụng: cà gai leo có thể sử dụng ở dạng khô và dạng tươi. Người dùng có thể sắc uống hoặc hãm nước uống mỗi ngày. Lưu ý uống nước khi còn ấm và uống cách bữa ăn 30 phút. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay cũng có dạng viên cho người dùng tiện sử dụng.
– Liều lượng: Tùy tình trạng sức khỏe, mục đích sử dụng mà liều lượng cà gai leo có thể khác nhau. Thông thường, uống để bảo vệ và tăng cường chức năng gan cần dùng 16 – 20g cà gai leo/ngày. Để hỗ trợ điều trị bệnh gan thường dùng 50 – 60g/ngày, có thể lên tới 100g/ngày.
Hỏi đáp: Cà gai leo có đắng không, có dễ uống không?
– Lưu ý khác:
- Không dùng cà gai leo chung với đồ ăn có chứa nhiều chất béo như dầu, thịt mỡ, đồ ăn chiên rán…: các thực phẩm này làm tăng cholesterol xấu không tốt cho gan.
- Không sử dụng quá liều lượng được hướng dẫn do nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
- Không ngâm cà gai leo với rượu để uống vì rượu làm suy giảm chức năng gan.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Trước khi sử dụng cà gai leo cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn liều lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe, đặc biệt những người đang mắc bệnh lý nền, người đang uống thuốc…
- Không sử dụng cho phụ nữ mang thai và trẻ em: Cà gai leo có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.
- Không dùng cho người mắc bệnh tim mạch, bệnh thận: Do tạo áp lực quá tải lên thận có thể dẫn tới một số tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Không dùng cho người mẫn cảm với thành phần của cây: Nếu bạn có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của cà gai leo, không nên sử dụng.
- Kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh: Để sử dụng cà gai leo cho kết quả điều trị tốt nhất, bạn nên kết hợp việc sử dụng cà gai leo với chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích.
- Khi bắt đầu sử dụng cà gai leo, bạn nên dùng với lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu như nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường hãy ngừng sử dụng ngay lập tức, tới cơ sở y tế để được thăm khám và nhận lời khuyên từ bác sĩ.
Trên đây là 6 tác dụng chính của cây cà gai leo. Dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe, người dùng cũng không nên lạm dụng, luôn nhớ uống đúng cách, đúng liều để cho kết quả tốt nhất.