Cà gai leo, một loại thảo dược quen thuộc trong dân gian, được mọi người tin dùng để bảo vệ gan, cải thiện chức năng gan. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn liệu việc uống cà gai leo có bị tụt huyết áp hay không? Nó có ảnh hưởng tới sức khỏe không? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên, hãy cùng theo dõi nhé!
Uống cà gai leo có bị tụt huyết áp không?
Cà gai leo là một thảo dược được biết đến với nhiều tác dụng có lợi, đặc biệt là trong việc hỗ trợ chức năng gan, giảm viêm và bảo vệ gan khỏi các tổn thương do hóa chất. Thảo dược này đã được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền Việt Nam và nhiều nghiên cứu hiện đại chứng minh về tính an toàn và hiệu quả.
Một trong những ưu điểm nổi bật của cà gai leo là lành tính, ít tác dụng phụ. Mặc dù vậy, nhiều người gặp vấn đề về huyết áp vẫn cảm thấy lo liệu loại cây này có ảnh hưởng tới huyết áp của mình không. Vậy y học nói gì về vấn đề này?
Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng cà gai leo gây tụt huyết áp. Theo “Nghiên cứu tác dụng kích thích miễn dịch và chống viêm gan mạn của viên nén Livganic trên thực nghiệm” của Nguyễn Phương Thanh (năm 2021) có viết khi sử dụng cà gai leo trong nghiên cứu đánh giá tác dụng điều trị của thuốc HAINA chứa cà gai leo ở bệnh nhân viêm gan B mạn hoạt động không thấy bất cứ tác dụng phụ nào được báo cáo.
Tuy nhiên, theo Lương y Trần Đăng Tài – Phó chủ tịch Hội đông y thị xã Thái Hòa, Nghệ An có lưu ý rằng những người mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp không nên sử dụng cà gai leo. Vì vậy, những người gặp các vấn đề về huyết áp, bao gồm cả huyết áp cao và huyết áp thấp nên hỏi ý kiến bác sĩ cách sử dụng để đảm bảo an toàn.
Ai không nên sử dụng cà gai leo?
Mặc dù cà gai leo được xem là an toàn và lành tính, nhưng vẫn có một số đối tượng nên thận trọng hoặc tránh sử dụng thảo dược này bao gồm:
Phụ nữ mang thai: Trong cà gai leo có chứa nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học mạnh như flavonoid, alcaloid, saponin, carotenoid, courmarin, acid amin, acid hữu cơ… Chúng có nguy cơ kìm hãm sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, phụ nữ mang thai không sử dụng cà gai leo để tránh ảnh hưởng tới bé.
Người đang được theo dõi hoặc đang nhận điều trị đặc biệt của bác sĩ: Những người đang sử dụng phác đồ điều trị đặc biệt, nhất là đang trong giai đoạn bệnh nặng, sức khỏe yếu không nên uống cà gai leo. Bởi một số hoạt chất trong cà gai leo như flavonoid, alcaloid, saponin… có thể làm mất tác dụng của một số loại thuốc bác sĩ kê, ảnh hưởng tới kết quả điều trị.
Người đang sử dụng thuốc tây: Ngoài những người đang điều trị theo phác đồ đặc biệt của bác sĩ, những người đang sử dụng thuốc tây, kể cả không kê đơn cũng hạn chế uống cà gai leo. Bởi dược liệu này chỉ có công dụng hỗ trợ điều trị và bổ sung dưỡng chất có thể cản trở tác dụng của thuốc điều trị bệnh.
Người có dị ứng với các thành phần của cây cà gai leo: Nếu có tiền sử dị ứng với các thành phần của cà gai leo, nên tránh sử dụng để ngăn ngừa các phản ứng dị ứng.
Người bị bệnh lý thận: Uống cà gai leo giúp thải độc gan tốt nhưng lại vô tình tạo áo lực lên thận, cản trở quá trình bài tiết. Do đó, những người đang gặp phải các vấn đề như thận hư, thận yếu nên tránh dùng cà gai leo để phòng ngừa nguy cơ làm tăng nặng bệnh lý.
Người mắc bệnh tim mạch: Những người đang mắc các bệnh mãn tính phổ biến như cao huyết áp, tim mạch không nên tự ý sử dụng cà gai leo.
Việc tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế trước khi sử dụng cà gai leo, đặc biệt khi bạn thuộc các nhóm đối tượng trên là cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Hướng dẫn sử dụng cà gai leo đúng cách
Dưới đây là hướng dẫn sử dụng cà gai leo đúng cách để tận dụng tối đa lợi ích và an toàn của thảo dược này:
Chọn sản phẩm chất lượng: cà gai leo có thể sử dụng dưới dạng tươi hoặc khô. Dù sử dụng dưới dạng nào cũng cần lựa chọn nguyên liệu từ các nguồn cung cấp uy tín, tránh sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, bị mốc hoặc có mùi lạ.
Bảo quản: Để cà gai leo ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và ẩm mốc.
Cách sử dụng phổ biến: Cà gai leo có thể sử dụng dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm trà, dùng đơn độc hoặc kết hợp với các thảo dược khác như lá sen, táo đỏ… Tuy nhiên, không ngâm cà gai leo với rượu do làm mất tác dụng cải thiện chức năng gan.
Liều lượng: Tùy mục đích sử dụng, tình trạng sức khỏe, độ tuổi mà liều lượng được điều chỉnh cho phù hợp. Thông thường cà gai leo được dùng để bảo vệ gan, tăng cường chức năng gan khoảng 16 – 30g. Người uống cà gai leo để hỗ trợ điều trị xơ gan, viêm gan virus có thể cần liều lượng cao hơn 40 – 50g, thậm chí 100g/ngày. Tốt nhất tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê liều lượng cho phù hợp.
Kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh: Để cà gai leo có tác dụng tốt nhất đối với sức khỏe, bạn nên kết hợp sử dụng cà gai leo với một chế độ ăn uống cân đối, hạn chế bia rượu, và tập luyện thể dục thường xuyên.
Không tự ý kết hợp với thuốc khác: Tránh tự ý kết hợp cà gai leo với các loại thuốc khác mà không có sự tư vấn của bác sĩ, đặc biệt là các thuốc điều trị huyết áp, hoặc thuốc chống đông máu.
Ngưng sử dụng nếu có triệu chứng lạ: Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào (như buồn nôn, dị ứng, hoặc khó chịu), nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cà gai leo dễ nhầm lẫn với cà tàu, cà độc dược, cà dại: Vì vậy nếu không biết phân biệt rõ ràng các cây này không nên tự hái về để tránh gây ngộ độc.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi “uống cà gai leo có bị tụt huyết áp không?” và một số thông tin về cách sử dụng cà gai leo, đối tượng không nên uống loại cây này. Mong rằng bài viết giúp ích cho bạn, chúc bạn thật nhiều sức khỏe.