Cà gai leo được mệnh danh là một trong những loại dược liệu quý có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,… Tuỳ vào từng trường hợp bệnh cụ thể mà cách sử dụng cà gai leo cũng khác nhau. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để xem hướng dẫn chi tiết về cách dùng loại dược liệu này nhé!
Mục lục
Các cách chế biến và sử dụng cà gai leo
Cà gai leo thường sẽ được sử dụng ở 2 dạng khô và tươi. Tuỳ vào bệnh lý của từng người sẽ có các cách chế biến và sử dụng cà gai leo khác nhau. Tuy nhiên, cà gai leo khô được sử dụng phổ biến hơn bởi nó có thể bảo quản trong thời gian dài mà không bị biến chất như cà gai leo tươi.
Lưu ý, có một số loại cà dại có đặc điểm khá giống với cà gai leo, vì thế cần chú ý phân biệt tránh sử dụng nhầm lẫn dược liệu, đọc chi tiết bài viết: Phân biệt cà gai leo thật giả
Cách chế biến và sử dụng cà gai leo đúng cách rất quan trọng để đạt được kết quả điều trị hiệu quả nhất. Người bệnh có thể nấu thuốc theo các cách sau đây:
Sắc nước uống
Người bệnh cần rửa sạch cà gai leo trước khi cho vào sắc nước uống. Cho dược liệu cà gai leo vào ấm rồi đổ nước vào đun sôi. Khi vừa sôi thì vặn nhỏ lửa đun trong khoảng 10 phút rồi tắt bếp, bỏ bã, chắt nước uống hàng ngày.
Hỏi đáp: Uống cà gai leo có đắng không?
Dưới đây là một số bài thuốc điều trị cho mỗi loại bệnh lý cụ thể:
Bài thuốc 1: Tăng cường và hỗ trợ phục hồi chức năng gan
- Nguyên liệu: 30g cà gai leo.
- Cách sắc thuốc: Sơ chế cà gai leo, rửa sạch, sau đó cho vào ấm sắc cùng 1 lít nước. Đun thuốc trong khoảng 10 phút với lửa nhỏ rồi tắt bếp. Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp cà gai leo với các dược liệu khác như diệp hạ châu, cao mật nhân, xuyên tâm liên để đạt hiệu quả cao hơn.
Bài thuốc 2: Cà gai leo kết hợp với mật nhân điều trị viêm gan virus B
- Nguyên liệu: 30g cà gai leo, 30g cây xạ đen và 10g rễ cây mật nhân.
- Cách sắc thuốc: Rửa sạch các vị thuốc rồi sắc cùng 1,5 lít nước và uống hết trong ngày. Nước sắc có mùi thơm nhẹ, vị đắng của rễ cây mật nhân nhưng lại rất dễ uống.
Bài thuốc 3: Chữa thấp, nhức mỏi, đau lưng
- Nguyên liệu: 10g cà gai leo, 10g thổ phục linh, 10g kê huyết đằng, 10g dây gấm, 10g lá lốt.
- Cách sắc thuốc: Sao vàng tất cả các vị thuốc. Sau đó mang hỗn hợp sắc với lượng nước vừa đủ. Đun uống mỗi ngày, mỗi ngày 1 thang và sử dụng liên tục từ 10 – 30 thang.
Bài thuốc 4: Chữa dị ứng, ho gà, hen xuyễn
- Nguyên liệu: 10g cà gai leo, 10g thiên môn, 10g mạch môn.
- Cách sắc thuốc: Sắc uống hỗn hợp hàng ngày, mỗi ngày 1 thang và chia 3 lần sắc với lượng nước vừa đủ để cải thiện tình trạng bệnh.
Bài thuốc 5: Hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan
- Nguyên liệu: 35g cà gai leo.
- Cách sắc thuốc: Dùng 35g cà gai leo sắc cùng 1 lít nước, đun nhỏ lửa cho đến khi còn 300ml nước. Uống ngày 3 lần để giúp thanh nhiệt, giải độc gan và hạ men gan cao hiệu quả.
Bài thuốc 6: Hỗ trợ điều trị viêm gan, xơ gan, chống tế bào gây ung thư
- Nguyên liệu: 30g cà gai leo, 10g diệp hạ châu, 10g cây dừa cạn.
- Cách sắc thuốc: Sao vàng nguyên liệu cho đến khi có mùi thơm nhẹ rồi mang sắc với lượng nước vừa đủ. Uống thuốc đều đặn mỗi ngày 1 thang và duy trì trong 1 tháng.
Bài thuốc 7: Điều trị ho do viêm họng
- Nguyên liệu: 15g thân hoặc rễ và lá cà gai leo, 30g lá chanh.
- Cách sắc thuốc: Sắc với lượng nước vừa đủ, uống 2 lần/ ngày và dùng ngay khi còn ấm. Duy trì uống từ 5 -7 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Hãm nước
Bên cạnh cách sắc uống cà gai leo, người bệnh có thể sử dụng loại dược liệu này bằng cách hãm nước. Đây là cách thường được áp dụng cho những người bận rộn, không có thời gian sắc thuốc.
Người bệnh đem cà gai leo rửa sạch rồi trần qua nước nóng một lần. Sau đó, cho thêm nước sôi rồi hãm trong 30 phút. Một mẹo nhỏ cho bạn là nên sử dụng bình giữ nhiệt để hãm thuốc nhằm giữ nước đủ ấm để mang đi làm và uống trong ngày.
Ngoài ra, cà gai leo có thể hãm cùng một số vị thuốc khác để điều trị các bệnh lý về gan. Cụ thể:
Bài thuốc 8: Cà gai leo kết hợp cùng giảo cổ lam có tác dụng hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ
- Nguyên liệu: 30g cà gai leo, 30g giảo cổ lam.
- Cách sắc thuốc: Rửa sạch các vị thuốc rồi cho vào hãm cùng 1 lít nước. Duy trì sử dụng trong 1 tháng để cải thiện tình trạng men gan cao, điều trị gan nhiễm mỡ.
Tham khảo thêm: Bài thuốc chữa gan kết hợp từ cà gai leo và giảo cổ lam
Bài thuốc 9: Giải độc gan, giải rượu bia
- Nguyên liệu: 100g cà gai leo khô.
- Cách sắc thuốc: Sắc 100g cà gai leo khô cùng 400ml nước cho đến khi còn 150ml nước trong ấm. Uống ngay khi còn ấm nóng để giải độc gan và giải độc rượu đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, có thể dùng 50g cà gai leo khô hãm với nước sôi cho người say rượu uống có tác dụng bảo vệ tế bào gan và nhanh tỉnh rượu.
Pha nước cao cà gai leo
Cà gai leo dạng cao cô đặc cũng được khuyên sử dụng do thuốc dạng này có hàm lượng dược chất trong cà gai leo thu được nhiều hơn so với dạng nước. Vì thế, người bệnh chỉ cần sử dụng một lượng cao nhỏ đã tương đương với 60g cà gai leo khô.
Mỗi ngày dùng 3 – 4g tương đương 1/6 thìa cà phê cao đặc cà gai leo pha với 200ml nước. Cách dùng này có thể dùng luôn và tiện lợi hơn so với cách sắc thuốc truyền thống.
Có nên dùng cà gai leo thường xuyên?
Sử dụng cà gai leo để chữa bệnh, đặc biệt bệnh lý liên quan đến gan, người bệnh cần tuân thủ theo đúng định lượng bác sĩ chỉ định và phải kiên trì dùng trong thời gian dài từ 2 đến 3 tháng mới thấy được hiệu quả rõ rệt. Sau đó nên nghỉ một thời gian trước khi sử dụng tiếp thêm một đợt mới.
Đối với người bình thường, liều lượng nên dùng từ 20 -30g/ngày để bảo vệ chức năng gan. Đối với người bệnh, liều lượng phù hợp là 100g/ngày để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả nhất. Tuyệt đối không nên dùng quá liều và dài ngày so với chỉ định vì có thể gây ra ngộ độc. Nếu ngộ độc nặng có các biểu hiện của suy gan, suy thận, mệt mỏi, vàng da, tiểu ít, thậm chí vô niệu, xét nghiệm thấy men gan, bilirubin, ure, creatinin máu tăng dần. Ngoài ra có thể gặp các dấu hiệu khác về thần kinh trung ương như đau đầu, kích động, ảo giác nhưng thường ít gặp hơn.
Những người có thể chất rất yếu, bị thận hư, hoặc đang trong giai đoạn điều trị đặc biệt thì không nên dùng cà gai leo. Vì các hoạt chất trong cà gai leo có thể làm giảm tác dụng của thuốc đang dùng và gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Hỏi đáp: Uống cà gai leo bị ngứa là vì sao?
Lưu ý khác khi chế biến và sử dụng
Để chế biến và sử dụng cà gai leo đạt hiệu quả cao, phát huy tác dụng chữa bệnh tốt và tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra, có một số vấn đề sau đây người bệnh cần lưu ý:
- Sử dụng vị dược liệu đúng liều lượng được chỉ định, phù hợp với mục đích điều trị bệnh. Nếu sử dụng cà gai leo trong thời gian dài với liều lượng cao có thể gây ngộ độc, buồn nôn, nôn.
- Khi kết hợp với các vị thuốc khác, phải dùng đúng liều lượng để tránh để lại tác dụng phụ và không đạt hiệu quả.
- Nếu trong trường hợp đang sử dụng thuốc Tây y để điều trị bệnh thì người bệnh nên uống nước cà gai leo cách 30 – 60 phút để tránh bị ức chế tác dụng của thuốc Tây.
- Không sử dụng nước cà gai leo cho trẻ em dưới 6 tuổi bởi lúc này cơ thể trẻ em đang yếu, tế bào gan chưa hoàn thiện.
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên sử dụng cà gai leo.
- Trong lúc đói, không nên uống cà gai leo.
- Đối với cao cà gai leo, chất lượng phụ thuộc vào quá trình cô đặc và nguồn nhập. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ thường tự nấu cao thủ công với nhiệt độ và thời gian cô đặc không chuẩn. Chính vì thế, nên lựa chọn mua dược liệu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng.
- Đối với những người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, cao huyết áp,… cũng được khuyến nghị không nên sử dụng vị dược liệu này. Nếu muốn sử dụng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị và ngưng sử dụng khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu lạ hoặc tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.