Chuối hột là vị thuốc quen thuộc trong dân gian, ngoài được dùng làm thực phẩm, chuối hột còn có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe như chữa bệnh sỏi thận, đái tháo đường,… Dưới đây, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc một số bài thuốc quý được lưu truyền trong dân gian.
Hình ảnh quả Chuối hột
Mục lục
1. Thông tin khoa học
- Tên tiếng Việt: Chuối hột, Chuối chát
- Tên khoa học: Musa balbisiana Colla
- Họ: Musaceae (Chuối)
Mô tả cây:
- Thân giả cao 2-4m, to màu xanh. Lá to, có phiến dài, xanh hơi mốc mốc, be, xanh. Buồng hoa nằm ngang; mo đỏ sẫm, không quấn lên.
- Quả có cạnh, thịt quả nạc chứa nhiều hạt to 4- 5mm.
Công dụng:
- Theo Đông y, Chuối hột có tác dụng giải độc, thoát nhiệt, giải phiền, lợi tiểu, tiêu độc. Chỉ với một vị Chuối hột dễ kiếm, rẻ tiền mà chữa được nhiều bệnh như sỏi thận, tiểu đường, huyết áp cao, tăng mỡ máu..
- Chữa đau bụng, ỉa chảy (Vỏ quả sắc uống). Hắc lào (Nhựa bôi). Sỏi đường tiết niệu (Quả). Quả phối hợp với ráy gai (Lasia spinosa) để chữa bệnh gout rất tốt.
- Không được ăn quả chuối rừng còn xanh vì rất dễ bị ngộ độc hoặc táo bón nặng vì quá nhiều chất tanin.
2. Một số công trình nghiên cứu trong nước về chuối hột
Tại Việt Nam, từ năm 1998 đến năm 2002, hàng loạt các thử nghiệm khảo sát các tác dụng dược lý của chuối hột như tác dụng trên sỏi niệu của một số chế phẩm từ chuối, tính lợi tiểu, tính kháng khuẩn của chuối hột đã được tác giả Bùi Mỹ Linh cùng một số tác giả khác thực hiện.
Năm 2002, các tác giả Huỳnh Tú Quyên, Bùi Mỹ Linh của trường đại học Y dược TP. HCM đã chiết xuất và phân lập một số hợp chất kém phân cực trong hột chuối hột. Tiến hành theo phương pháp phân tích hóa học thực vật cho thấy trong hột chuối hột có: flavonoid, acid béo, coumarin, phytosterol, tannin, acid hữu cơ, đường khử,…
Năm 2003, tác giả Trần Văn Sung, Trương Bích Ngân, Trịnh Thị Thùy của viện Hóa học, trung tâm KHTN&CNQG đã sơ bộ nghiên cứu thành phần hóa học của trái chuối hột của Việt Nam. Kết quả đã phân lập được hai hợp chất là cyclomusalenon [(24S)-24 methyl-29-norcycloart-25-en-3-on] và stigmastẻol. Stigmasterol là một sterol khá phổ biến trong tự nhiên. Cyclomusalenon là một triterpene năm vòng có chứa vòng cyclopropane có cấu trúc 3-oxo-29-norcycloartan tương đối ít gặp trong tự nhiên.
Năm 2004, nhóm tác giả Đỗ Quốc Việt, Trần Văn Sung, Nguyễn Thanh Thúy của viện Hóa học kết hợp đại học Y Hà Nội đã sơ bộ nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết của trái chuối hột trên chuột thực nghiệm. Kết quả đã cho thấy dịch chiết có tác dụng hạ đường huyết trên chuột thí nghiệm.
3. Bài thuốc về cây Chuối hột
Hình ảnh quả chuối hột
- Trái chuối hột còn non, thái mỏng, trộn với các loại rau sống, ăn với nộm sứa, gỏi cá để giảm vị tanh và đề phòng tiêu chảy.
- Trái chuối hột rừng có tác dụng chữa đái tháo đường, viêm thận, tăng huyết áp.
Trị trẻ em táo bón:
Lấy 1 – 2 trái chuối chín đem vùi vào bếp lửa, khi vỏ quả ngả màu đen, ruột chín nhũn thì lấy ra để nguội, cho trẻ ăn, khoảng mươi phút sau là đi đại tiện được.
Trị sỏi bàng quang:
Quả chuối hột xanh thái mỏng, sấy khô, sao vàng, hạ thổ trong vài ngày, mỗi lần dùng 50-100g sắc với 400ml nước, uống làm 2 lần trong ngày vào lúc no. Có thể dùng dạng nước hãm như pha trà mà uống.
Trị bệnh thống phong (bệnh gút):
Quả chuối hột (rừng) 3g, củ ráy (rừng) 4g, khổ qua 1g, tỳ giải 2g. Sao vàng hạ thổ, đóng gói 10g/gói, ngày uống 2 – 3 gói pha nước đun sôi uống, không được cho đường vào.
- Cách lấy hạt chuối hột rừng mất khá nhiều công sức. Chuối chín mới lấy hạt được, hạt được sao khô thơm nhẹ.
- Hạt chuối hột có thể dùng để ngâm rượu hoặc tán nhỏ sắc uống hàng ngày.
Giảm đau, tiêu sưng, chữa đau lưng, chân tay nhức mỏi, thấp khớp:
200g giã nát ngâm với rượu 40 độ (1.000ml) trong 10 ngày để càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml vào trước bữa ăn hay trước khi đi ngủ, có thể thêm đường cho dễ uống.
Trị sỏi thận, sỏi bàng quang:
Hạt chuối hột rang giòn, giã nát, rây bột mịn. Mỗi ngày dùng 2 thìa canh bột cho vào ấm chế nước sôi pha trà uống. Trong thời gian uống thuốc thấy có chất lắng đục ở đáy dụng cụ đựng nước tiểu qua đêm. Uống liên tục trong 30 ngày, sỏi ra hết thành những viên nhỏ. Kết quả rất tốt.
Trị đau bụng kinh niên:
Vỏ quả chuối hột 40g, phơi khô, sao hơi vàng, tán bột; quế chi 4g; cam thảo 2g tán bột. Trộn đều hai bột, luyện với mật làm viên, uống 2 – 3 lần trong ngày với nước ấm.
Trị đau bụng, tiêu chảy:
Vỏ quả chuối rừng đã chín vàng, thái nhỏ, phơi khô. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 – 8g, hãm nước sôi uống.
Trị kiết lỵ:
Vỏ quả chuối hột, rễ gai tầm xọng, vỏ quả lựu, rễ tầm xuân, mỗi thứ 20g; búp ổi 10g, phơi khô, sắc uống.
- Hoa chuối có vị hơi chát và ngon ngọt…
- Hoa chuối hột thái nhỏ, luộc hoặc làm nộm ăn để tăng tiết sữa ở phụ nữ mới sinh con.
- Hoa chuối ăn hoặc sắc nước uống làm cho nước tiểu trong và giúp thận hòa tan các loại acid dễ đóng cặn trong thận và bàng quang.
- Hoa chuối là nguồn bổ sung chất xơ rất tốt, vì vậy nên ăn hoa chuối để thêm chất xơ cho ruột, chống táo bón ở người cao tuổi.
Trị băng huyết, nôn ra máu:
Lá chuối hột phơi khô 10g, mốc cây cau 20g, tinh tre 20g. Tất cả đốt tồn tính, tán nhỏ, hòa với nước uống.
Mát phổi, bổ phổi, tiêu độc:
Lá bắc (lá màu đỏ bao bọc buồng chuối) và hoa chuối hột sắc uống.
Trị đau nhức răng:
Thân chuối hột còn non, cắt đoạn, nướng chín rồi ép lấy nước, ngậm với ít muối.
Cầm máu vết thương:
Lõi thân cây chuối rừng đập dập, đắp vào vết thương.
Hỗ trợ ổn định đường huyết:
Chọn cây chuối hột có bắp đang nhú, cắt ngang cây (cách mặt đất 20 – 25 cm) và khoét một lỗ rỗng to ở thân chuối, để một đêm, sáng hôm sau múc nước từ lỗ rỗng (do gốc thân cây chuối tiết ra) mà uống. Dùng thường xuyên sẽ giúp ổn định đường huyết.
Trị cảm nóng, sốt cao, háo khát, mê sảng:
Củ chuối hột đem cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt miếng, giã nát, ép lấy nước uống.
Trị kiết lỵ ra máu:
củ chuối hột phối hợp với củ sả, tầm gửi cây táo hoặc vỏ cây táo, mỗi thứ 4g, sao vàng, sắc uống.
Trị tim hồi hộp, hay mơ, đêm về trằn trọc khó ngủ:
củ chuối hột 20g, nấu chung với 1 quả tim heo (200 – 300g), uống nước, ăn tim.
Hỗ trợ ổn định đường huyết:
Củ cây chuối hột, rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống, dùng thường xuyên và lâu dài có tác dụng ổn định đường huyết (dành cho người bệnh đái tháo đường týp 2).
Cách làm & Công dụng Rượu ngâm chuối hột
Hình ảnh rượu chuối hột
Dùng chữa bệnh thận, sỏi thận, đái tháo đường, đau lưng, nhức mỏi xương khớp, tráng dương, tăng cường sức khỏe phái mạnh, giải nhiệt, bệnh dạ dày, kích thích tiêu hóa, bổ thận, lợi tiểu, trị kém ăn, kém ngủ, bồi bổ cơ thể…
Rượu chuối hột: 1kg chuối hột rừng ngâm khoảng 2 – 2,5 lít rượu ngon 40 – 45 độ, rượu có vị ngọt thơm, màu vàng nhạt.
Cách ngâm rượu chuối hột ngon:
- Chuối hột rừng phải thật chín, thái mỏng, phơi nắng thật khô.
- Rượu ngâm phải là rượu trắng, không pha tạp >40 độ.
- Đồ ngâm rượu phải là thủy tinh, rửa sạch.
- Bỏ chuối vào, chuối chiếm 1/3 lọ, đổ rượu đầy 2/3 lọ, để lại 1/3 chân không cho chuối nở.
- Đậy nắp kín, ngâm >3 tháng hoặc để càng lâu càng ngon.