Củ nghệ vốn là loại gia vị tự nhiên rất quen thuộc trong căn bếp của nhiều thế hệ người Việt. Ngoài công dụng làm tăng hương vị cho các món ăn, loại củ này cũng những công dụng vô cùng tuyệt vời cho sức khỏe. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng của củ nghệ vàng. Hãy cùng theo dõi nhé!
Mục lục
Theo các nghiên cứu, trong nghệ vàng chứa nhiều thành phần hoạt tính tốt cho sức khỏe, điển hình là curcuminoids với hoạt chất quan trọng nhất là curcumin.
Cụ thể, Curcuminoids là một nhóm các hợp chất có cấu trúc tương tự nhau gồm: curcumin, demethoxycurcumin và bisdemethoxycurcumin với khả năng chống viêm và chống oxy hóa. Trong đó, Curcumin sở hữu đặc tính mạnh nhất, nó cũng là yếu tố chính tạo ra màu vàng sáng trong củ nghệ.
Tìm hiểu chi tiết: Hoạt chất curcumin trong củ nghệ
Ngoài ra, củ nghệ cũng chứa các thành phần khác như vitamin C, vitamin E, carotenoid và flavonoid.
Nhờ những thành phần kể trên, củ nghệ có thể đem lại rất nhiều các công dụng như:
1. Kháng viêm giảm đau
Từ xa xưa, y học cổ truyền đã xem củ nghệ như một vị thuốc để trị các rối loạn viêm và giảm đau, đặc biệt là các trường hợp đau nhức xương khớp. Ngoài khả năng chống viêm, giảm đau, nghệ còn được biết đến với đặc tính tái tạo. Theo đó, các curcuminoids trong nghệ có thể năng thúc đẩy quá trình lưu thông máu, từ đó hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương ngoài da.
Ngoài giảm đau xương khớp, củ nghệ cũng có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng viêm đau dạ dày, đau đầu, đau cơ…
2. Tăng cường miễn dịch
Nhờ chứa các hoạt chất có khả năng chống viêm, chống oxy hóa, cùng các vitamin nên rất nhiều ý kiến cho rằng nghệ có khả năng giúp cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thường xuyên bổ sung curcumin sẽ làm nồng độ IgG và IgM trong huyết thanh tăng lên đáng kể, từ đó giúp tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, curcumin cũng đã được chứng minh có thể điều hòa giảm cytokine, từ đó góp phần chống lại các nhiễm trùng do virus cúm.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Mỹ về khả năng chống nhiễm trùng của curcumin, hoạt chất này cũng có khả năng ức chế hoạt động của rất nhiều loại virus khác nhau như virus viêm gan, virus cúm, arbovirus…
3. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Các chất chống oxy hóa như curcumin, flavonoid, phenolic… trong nghệ có khả năng chống lại các gốc tự do, làm giảm nồng độ cholesterol tổng thể của cơ thể. Do vậy, chúng có khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch.
Theo nghiên cứu thực hiện ở những người trung niên và cao tuổi được bổ sung curcumin liên tục trong 12 tuần, việc sản xuất nội mô kháng động mạch ở những người này đã tăng lên, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với bệnh huyết áp cao.
Một nghiên cứu khác đã tiến hành theo dõi 121 người đã phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cũng cho thấy những tín hiệu tích cực từ việc bổ sung curcumin. Cụ thể, một nhóm đã được sử dụng 4g curcumin mỗi ngày trước và sau một vài ngày trước khi phẫu thuật. Kết quả cho thấy nhóm này đã giảm 65% nguy cơ bị đau tim. [1]
4. Hỗ trợ tiêu hóa
Nhờ chứa lượng chất chống oxy hóa dồi dào nên nghệ có thể cải thiện các rối loạn ở hệ tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, chán ăn… Đặc biệt, những tác dụng này cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận.
Các thành phần hoạt tính trong thân và rễ của củ nghệ có khả năng tiêu diệt một số vi khuẩn gây hại cho đường tiêu hóa như Helicobacter pylori – một trong những thủ phạm chính gây viêm loét dạ dày, loét tá tràng… Ngoài ra, các hoạt chất trong nghệ cũng có khả năng kích thích bài tiết dịch mật, giúp thức ăn được tiêu hóa tốt hơn.
Một nghiên cứu về tác dụng của curcumin với bệnh viêm loét đại tràng cũng cho thấy, những người dùng 2g curcumin mỗi ngày kết hợp với thuốc kê đơn có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với những người chỉ sử dụng thuốc. [2]
5. Hỗ trợ cải thiện bệnh tiểu đường tuýp 2
Ở người bệnh tiểu đường, nồng độ chất albumin trong nước tiểu sẽ tăng cao, gây tăng huyết áp động mạch và làm giảm tốc độ lọc cầu thận. Theo các nhà khoa học, curcumin trong nghệ có thể kiểm soát tình trạng đái tháo đường bằng cách đẩy nhanh quá trình đào thải creatine và urê ra khỏi cơ thể, từ đó làm giảm nồng độ albumin và các enzyme trong nước tiểu.
Ngoài ra, Curcumin trong nghệ cũng có thể làm giảm nồng độ glucose trong máu, hỗ trợ kiểm soát tình trạng kháng insulin từ đó góp phần cải thiện một số vấn đề về sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường như đục thủy tinh thể, tổn thương thần kinh…
6. Ngăn ngừa ung thư
Một số nghiên cứu được thực hiện đã chỉ ra rằng nghệ có khả năng ngăn chặn sự phát triển tế bào của các khối u, đồng thời hỗ trợ cải thiện chức năng hoạt động của các enzyme thải độc. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và nguyên tắc điều trị, người bệnh đang trong quá trình điều trị ung thư cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nghệ, tránh làm ảnh hưởng đến các thuốc hóa trị. [3]
7. Làm đẹp da
Củ nghệ cũng là một trong những nguyên liệu làm đẹp được khoa học chú ý nghiên cứu từ sớm. Theo đó, các thành phần chống oxy hóa trong nghệ, đặc biệt là curcumin có thể giúp cải thiện và làm chậm quá trình lão hóa da, giảm thiểu nếp nhăn, đem lại một làn da mịn màng, tươi trẻ hơn. Curcumin trong nghệ cũng có thể thúc đẩy đào thải hắc sắc tố melanin, từ đó làm mờ các vết thâm nám, tàn nhang, giúp da sáng mịn, đều màu hơn. Chính vì thế ngày nay nghệ được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm từ sữa rửa mặt, kem giảm thâm mụn cho tới serum phục hồi da…
Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng nghệ vàng cho mục đích chăm sóc da tại nhà ví dụ như làm trắng da bằng rượu nghệ sau khi sinh, đắp mặt nạ bột nghệ trị mụn, sẹo… Những mẹo này có thể nói là khá đơn giản, dễ áp dụng nhưng thực tế tính hiệu quả không đáng kể. Bởi các hoạt chất có lợi của nghệ đối ở trạng thái bình thường không thể thẩm thấu triệt để vào sâu các lớp biểu bì, do kích thước phân tử khá lớn. Ngoài ra, nghệ tươi bôi lên da chứa nhiều tinh dầu và tạp chất, đây có thể là yếu tố gây kích ứng da đối với những người có cơ địa nhạy cảm.
Chính vì vậy, các mẹo làm đẹp theo dân gian thường không được chuyên gia khuyến khích áp dụng. Nếu muốn làm đẹp với nghệ tốt nhất hãy tìm kiếm những sản phẩm chất lượng có thành phần này.
8. Giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt
Một nghiện cứu được thực hiện cho thấy việc bổ sung chất curcumin từ nghệ trước và sau chu kỳ kinh nguyệt có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng đau bụng, khó chịu, mệt mỏi… của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). [4]
9. Chống trầm cảm
Theo Đông y, củ cái của cây nghệ vàng (khương hoàng) có vị cay đắng, tính bình, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, tan ứ, giảm đau. Củ con (uất kim) có vị cay ngọt, tính mát, có tác dụng làm mát máu, an thần, tan máu ứ, giảm đau. Chủ trị các chứng tâm thần, bực tức, lo sợ, bất an, tức ngực, bồn chồn, lo lắng, mất ngủ.
Theo y học hiện đại, curcumin được tìm thấy trong củ nghệ có thể mang lại những tác dộng tích cực đến việc điều trị các rối loạn hệ thần kinh trung ương. Theo đó, chúng có khả năng ức chế sự biểu hiện tế bào thần kinh hình sao, ngăn chặn quá trình chết tế bào, đồng thời điều biến mức độ dẫn truyền thần kinh khác nhau trong não. Nhờ vậy, curcumin có thể bảo vệ thần kinh liên quan đến các bệnh như Alzheimer, rối loạn vận động muộn, trầm cảm, động kinh và các thoái hóa thần kinh khác, bao gồm cả chứng thần kinh đái tháo đường.
Ngoài ra, ở những người trầm cảm, yếu tố dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não, có tác dụng bảo vệ và hồi phục tế bào thần kinh bộ nhớ – BDNF sẽ bị giảm. Curcumin có thể làm tăng mức BDNF, đồng thời làm tăng nồng độ serotonin và dopamine – những chất hóa học có khả năng điều chỉnh tâm trạng nên có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm. [5]
Trên đây là những thông tin hữu ích về công dụng của nghệ vàng. Hy vọng chúng có thể giúp ích được cho bạn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!
Nguồn tham khảo:
[1] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22481014/
[2] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17101300/
[3] https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S2212429218303948?via%3Dihub
[4] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34708460/
[5] https://www.hindawi.com/journals/tswj/2009/624894/
[6] https://www.hindawi.com/journals/tswj/2009/624894/