Thiên môn đông có nguồn gốc từ vùng Đông Á, bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản. Ở Việt Nam, thiên môn đông mọc hoang nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung và các đảo lớn ở Phú Quốc, Côn Đảo. Ở các tỉnh phía bắc, cây được trồng chủ yếu để làm thuốc.
Mục lục
Đặc điểm chung
1. Đặc điểm thực vật
- Cây bụi leo, sống lâu năm, dài 1 – 1,5 m, có khi hơn. Rễ củ hình thoi có cuống dài, củ dài 5 – 10 cm, đường kính củ từ 1 – 1,5 cm, có những bụi đến 150.
- Cành rất nhiều, hình trụ, mọc xoắn suýt vào nhau thành bụi dày, nhẵn và có gai cong, những cành nhỏ biến đổi thành lá gọi là diệp chi hình lưỡi liềm, có mặt cắt 3 góc, dài 2 – 3 cm, đầu nhọn.
- Lá tiêu giảm thành những vảy nhỏ.
- Cụm hoa mọc ở kẽ các diệp chi gồm 1 – 2 hoa màu trắng, hoa đực có bao hoa gồm 6 mảnh, 6 nhị và thụy lép, hoa cái có bao hoa như hoa đực, nhị ngắn hơn, bao phấn tiêu giảm, bầu thuôn có vài ngăn.
- Quả mọng, hình cầu, đường kính 5 – 6 mm, màu lục nhạt sau chuyển vàng ngà rồi màu trắng, hạt màu đen.
- Mùa hoa: Tháng 3 – 5, mùa quả tháng 6 – 9.
2. Giá trị làm thuốc
- Bộ phận sử dụng: Rễ củ, thu hái vào mùa khô ở những cây 2 năm tuổi.
- Công dụng: Theo y học cổ truyền, thiên môn đông được dùng chữa phế ung, hư lao, ho, thổ huyết, nhiệt bệnh, đái đường, tân dịch hao tổn, táo bón.
Kỹ thuật trồng trọt
1. Chọn vùng trồng
- Thiên môn đông có khả năng thích ứng rộng và có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau từ đất phù sa cho đến đất đồi núi, đất cát ven biển. Độ pH đất từ 5,0 – 8,0. Có thể trồng dưới tán có độ che phủ 20 – 50%.
- Đất thịt pha cát, đất có độ mùn cao là những chất đất thích hợp nhất cho thiên môn đông. Các vùng đất nhiều cát nhiều nắng là nơi thiên môn đông phát triển và cho năng suất cao.
2. Giống và kỹ thuật làm giống
Thiên môn đông có thể được nhân giống từ hạt và từ tách hom thân. Cây giống từ hạt hoặc giâm hom đều được đưa vào vườn ươm hoặc vào bầu đất cho đến khi đủ tiêu chuẩn đem trồng cho tỷ lệ sống cao.
Kỹ thuật nhân giống:
Nhân giống vô tính bằng mầm:
- Sau khi thu hoạch dược liệu, tách hom giống từ khóm. Thông thường sau 1 – 1,5 năm khóm thiên môn đông lớn có từ 20 – 40 nhánh.
- Dùng dao cắt bỏ phần thân lá cách gốc 15-20cm, dùng dao nhọn tách 4-5 nhánh gồm cả phần đế dưới của khóm.
Lưu ý: Ở khóm có củ nhỏ nên để lại không thu dược liệu. Hom giống sau khi được tách và đêm giâm vào cát sạch và tưới ẩm cho đến khi cây ra mầm và rễ mới đem trồng ra ruộng.
Nhân giống hữu tính từ hạt:
- Hạt giống thiên môn đông được thu từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, khi quả chuyển từ màu xanh sang màu trắng ngà là lúc thu hạt giống.
- Hạt giống được làm sạch xát nhẹ bỏ vỏ ngoài sau đó phơi nắng nhẹ cho đến khô.
- Độ ẩm đạt 10 – 12%. Hạt được lưu giữ ở nơi khô, thoáng mát trong túi PE, túi ximăng, chai lọ nút kín hoặc để trong tủ lạnh.
- Hạt có thể được gieo vào cát hoặc đất tưới đủ ẩm, cây mọc mầm từ 20 – 30 ngày sau gieo.
- Sau khi cây mọc mầm có thể bứng và ươm vào bầu đất hoặc chăm sóc đến khi cây đủ tiêu chuẩn đem trồng.
Cây giống đủ tiêu chuẩn tại vườn ươm: Chiều cao từ 20 – 40cm, có từ 4 – 5 mầm nhánh hoặc cây gieo từ hạt trong túi bầu đã bắt đầu ra củ được đem ra ruộng trồng.
3. Thời vụ trồng
Cây thiên môn đông trồng được quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa xuân (tháng 3) hoặc mùa hè (tháng 7 – 8).
4. Kỹ thuật làm đất
Trồng trên ruộng hoặc đất trống
- Đất trồng thiên môn đông được cày bừa kỹ làm sạch cỏ dại và lên luống rộng 90 – 100 cm, cao 30 – 40 cm. Bón lót toàn bộ phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh ngay sau khi cày luống định hình.
- Bổ hốc trồng theo khoảng cách đã định sẵn.271
Trồng xen với cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm có độ che tán < 50%.
- Vun luống theo hướng dễ thoát nước và đánh hốc trồng theo mật độ, bón lót phân trước khi trồng.
5. Mật độ, khoảng cách trồng
Mật độ 50.000 cây/ha. Khoảng cách trồng 40 x 50 cm.
6. Phân bón và kỹ thuật bón phân
Thời kỳ bón:
Bón lót: Toàn bộ lượng phân chuồng + phân vi sinh + NPK 9:6:3.
Bón thúc:
Năm thứ nhất: Chia làm 3 lần bón theo liều lượng như trên.272
- Lần 1: Khoảng 20 ngày sau khi trồng.
- Lần 2: Khoảng 2 tháng sau khi trồng.
- Lần 3: Vào khoảng tháng 8 – 9.
Năm thứ hai: Chia làm 2 lần bón theo liều lượng như trên:
- Lần 1: Vào tháng 4 – 5.
- Lần 2: Vào tháng 8 – 9.
7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Bổ hốc theo hình nanh sấu theo mật độ đã định sẵn. Trộn đều toàn bộ phân chuồng + phân hữu cơ vi sinh + phân NPK 9 – 6 – 3 chia cho các hốc. Trước khi trồng cây đảo đều đất với hỗn hợp phân đã bón.
Đặt cây giống vào giữa hốc vun nhẹ, đất lấp đều xung quanh sao cho cây đứng thẳng. Tưới nhẹ xung quanh gốc và duy trì độ ẩm cho cây trong 2 – 3 ngày sau trồng.
Chăm sóc:
- Tiến hành làm cỏ kết hợp với các đợt bón phân, vun gốc và tưới ẩm cho cây. Nếu đất quá khô có thể tháo nước ẩm cho ruộng trồng.
- Bón phân: Rắc đều phân xung quanh gốc sau đó vét đất rãnh lấp kín phân.
- Cần tiêu nước cho ruộng trồng thiên môn đông tránh để ngập úng lâu ngày dẫn tới cây bị thối củ.
- Có thể làm cọc cho thiên môn đông leo. Nếu làm cọc nên sử dụng các loại cọc chắc, cắm 1 – 2 cọc/cây cho cây leo.
- Thiên môn đông là cây sinh trưởng phần thân lá rất khỏe. Hàng năm đều có các đợt ra mầm vào mùa xuân và mùa thu vì vậy cần bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây.
8. Phòng trừ sâu bệnh
Cây thiên môn đông không bị sâu hay bệnh nào gây hại đáng kể.
9. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
- Thu hoạch: Thời điểm thu hoạch vào tháng 10 – 12 ở những cây trên 2 năm tuổi. Đào lấy rễ củ.
- Sơ chế: Rễ củ thu về được rửa sạch, đồ chín, lúc rễ còn nóng, bóc lấy vỏ hoặc rút bỏ lõi, thái mỏng, phơi hay sấy khô.
- Bảo quản: Cho vào bao kín, bảo quản ở nơi khô mát, tránh mốc, mọt.
Nguồn: Nguyễn Minh Khởi – Sách Kỹ thuật trồng cây thuốc – Viện dược liệu