Bằng phương pháp GC-MS cho thấy trong dịch chiết của lá cây dứa dại trong các dung môi có 24 cấu tử được xác định. Các cấu tử được định danh hầu hết là hydrocacbon, acid hữu cơ, hợp chất dị vòng, terpenes… phần lớn đều có hoạt tính chống ung thư và khả năng kháng khuẩn, kháng viêm. Cao chiết methanol của lá và rễ non cây dứa dại thể hiện hoạt tính ức chế đặc hiệu với sự phát triển của chủng vi sinh vật Gram (+) Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis.
Mở đầu
Dứa dại (tên khoa học là Pandanus tectorius Sol.) là loại cây mọc khá phổ biến ở các vùng ven biển châu Á có giá trị về mặt kinh tế như sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bảo vệ môi trường, điều trị bệnh…[2].
Trong Đông y, rễ non cây dứa dại thường được dùng để chữa phù thũng, viêm đường tiết niệu, sỏi thận, đau đầu, mất ngủ, ăn uống kém sau sinh; và lá cây dứa dại thường được dùng để điều trị các vết loét sâu, lở loét lâu ngày, tiểu ra máu…
Cho đến nay trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố về thành phần hóa học cũng như công dụng trong y học của cây dứa dại. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc nghiên cứu và khai thác dứa dại còn rất hạn chế.
Dứa dại có mặt gần như trên toàn bộ lãnh thổ nước ta, đặc biệt ở Hội An cây dứa dại sinh trưởng mạnh mẽ, mọc hoang rất nhiều. Vì vậy, vấn đề nghiên cứu một cách đồng bộ, lâu dài để có quy hoạch khai thác và sử dụng dứa dại có hiệu quả cần được quan tâm.
Nghiên cứu thực nghiệm
Nguyên liệu
Lá và rễ non cây của cây dứa dại được thu hái ở Hội An, Quảng Nam, đem tách bỏ những phần hư hại, rửa sạch, cắt nhỏ. Sau đó tiến hành sấy nguyên liệu bằng tủ sấy ở nhiệt độ 300- 400C rồi xay nhỏ.
Phương pháp chiết
Phương pháp được sử dụng để thu dịch chiết là phương pháp chiết soxhlet. Nguyên liệu được chiết lần lượt qua các dung môi có độ phân cực khác nhau: hexane, dichloromethane, ethyl acetate, methanol.
Nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố thời gian chiết đến quá trình chiết
- Lấy 5 mẫu, mỗi mẫu 10g nguyên liệu.
- Tiến hành chiết soxhlet với 150ml dung môi hexane ở các khoảng thời gian là 4 giờ, 6 giờ, 8 giờ, 10 giờ và 12 giờ đối với lá cây dứa dại và 8 giờ, 10 giờ, 12 giờ, 14 giờ, 16 giờ đối với rễ non cây dứa dại.
- Dịch chiết đem cô đuổi dung môi.
- Cân khối lượng cao thu được.
- Tiến hành tương tự như trên với các dung môi dichloromethane và ethyl acetate.
Xác định thành phần hóa học các dịch chiết
- Thành phần hoá học các dịch chiết hexane, dịch chiết dichloromethane và dịch chiết ethyl acetate của lá, rễ non cây dứa dại được xác định bằng hệ thống sắc ký khí khối phổ7890A/5975C, Agilent technology, Mỹ; cột tách mao quản HP – 5MS (5% Phenyl Methyl Silox): 3m x 250μm x 0,25μm
- Các cao chiết methanol của lá và rễ non cây được thử hoạt tính kháng sinh tại phòng Hóa sinh ứng dụng, Viện Hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Kết quả và thảo luận
Khảo sát ảnh hưởng của yếu tố thời gian chiết đến quá trình chiết bằng phương pháp chiết soxhlet
Đối với nguyên liệu lá dứa dại
Thời gian chiết thích hợp 10g bột lá cây dứa dại và khối lượng cao chiết thu được khi chiết với dung môi hexane, dichloromethane và ethyl acetate lần lượt là 8 giờ (0,771g), 10 giờ (1,421g) và 8 giờ (1,080g).
Đối với nguyên liệu rễ non cây dứa dại
Thời gian chiết thích hợp 10g rễ non cây dứa dại và khối lượng cao chiết thu được khi chiết vớidung môi hexane, dichloromethane và ethyl acetate lần lượt là 12 giờ (1,473g), 12 giờ (0,430g) và 14 giờ (0,662g).
Thành phần hóa học của các dịch chiết lá dứa dại trong các dung môi hữu cơ
Thành phần hóa học dịch chiết lá dứa dại trong các dung môi hữu cơ
Kết quả định danh bằng phương pháp GC-MS cho thấy trong dịch chiết lá cây dứa dại trong các dung môi hữu cơ có 24 cấu tử được định danh.
Trong đó số cấu tử được định danh của dịch chiết hexane, dichloromethane và ethyl acetate lần lượt là 15 cấu tử, 21 cấu tử và 17 cấu tử. Kết quả định danh bằng phương pháp GC-MS trong một số dịch chiết từ lá dứa dại được tổng hợp ở Bảng 1.
Kết quả ở Bảng 1 cho thấy:
- Dung môi có nhiều cấu tử được định danh nhiều nhất là dichloromethane và ít nhất là hexane.
- Dịch chiết dichloromethane và ethyl acetate có nhiều cấu tử giống nhau. Trong đó, Benzofuran,6 – ethenyl – 4,5,6,7 – tetrahydro – 3,6 –dimethyl-5- isopenyl,trans có mặt ở cả 3 dịch chiết với hàm lượng cao. Nó là chất kháng nấm và kháng oxi hóa rất tốt, đã được ứng dụng trong điều trị tăng tuần hoàn máu và ngăn ngừa tiền ung thư vú. Gamma-Elemene là chất có hoạt tính chống tăng sinh tế bào ung thư và kháng khuẩn rất cao.
- Hai loại acid béo là n-hexadecanoic acid và 9,12,15-octadecatrienoic acid. Hai acid này có khả năng kháng ung thư rất cao và còn được sử dụng trong một số dạng sữa thành phẩm giảm béo phì. Đồng thời nó còn tăng khả năng hấp thụ các loại vitamin A,E… bảo vệ collagen trong da, giảm tính viêm sưng [1].
- Trong thành phần dịch chiết dichloromethane có chứa Squalene, chất này gần đây gần đây được sử dụng như là một chất bổ trợ miễn dịch vắc xin, có tác dụng ngăn ngừa ung thư bằng cách loại bỏ các tế bào gây hại.
Thành phần hóa học dịch chiết rễ non cây dứa dại trong các dung môi hữu cơ
Kết quả định danh bằng phương pháp GC-MS cho thấy trong dịch chiết rễ non cây dứa dại trong các dung môi hữu cơ có 24 cấu tử được định danh. Trong đó số cấu tử được định danh của dịch chiết hexane, dichloromethane và ethyl acetate lần lượt là 15 cấu tử, 7 cấu tử và 19 cấu tử. Kết quả định danh bằng phương pháp GC-MS trong một số dịch chiết từ rễ non cây dứa dại được tổng hợp ở Bảng 2.
Kết quả từ Bảng 2 cho thấy
- Dịch chiết rễ non cây dứa dại trong dung môi hexane có nhiều cấu tử được định danh nhất, trong khi đó dịch chiết hexane của lá cây dứa dại số cấu tử định danh được lại là ít nhất.
- Tổng số cấu tử định danh được từ dịch chiết lá cũng như rễ non cây dứa dại đều là 24 cấu tử. Nhìn chung, dịch chiết từ lá và rễ non cây dứa dại trong các dung môi có nhiều cấu tử được định danh giống nhau.
- Đáng lưu ý là trong dịch chiết hexane của rễ non cây dứa dại cấu tử Artumerone có hàm lượng cao nhất, chiếm đến 32,52%. Ar-tumerone có ý nghĩa lớn trong y học. Chất này gây ức chế sự kích hoạt thần kinh đệm, sở hữu đặc tính kháng viêm do sự phong tỏa các con đường tín hiệu quan trọng trong tiểu thần kinh đệm, tạo thành một tác nhân điều trị đầy hứa hẹn cho các triệu chứng rối loạn thần kinh khác nhau [1].
Kết quả thử hoạt tính sinh học các cao chiết methanol của lá và rễ non cây dứa dại
Kết quả khảo sát hoạt tính sinh học của cao chiết methanol được thể hiện ở Bảng 3.
Kết quả khảo sát hoạt tính sinh học của cao chiết methanol cho thấy
- Các cao chiết methanol của lá và rễ non cây dứa dại thể hiện hoạt tính ức chế đặc hiệu với sự phát triển của chủng vi sinh vật Gram (+) Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis với giá trị IC50 lần lượt là 80,0µg/ml, 26,0µg/ml đối với lá dứa dại và 88,47µg/ml, 40,73µg/ml đối với rễ non cây dứa dại.
- Như vậy, với khả năng ức chế được các dòng vi sinh vật này thì cao chiết methanol có thể dùng để nghiên cứu điều trị các bệnh do 2 chủng vi sinh vật này gây ra như bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng… phù hợp với ứng dụng chữa bệnh của rễ non và lá cây dứa dại trong Đông y.
- Tuy nhiên, các cao chiết methanol của lá và rễ non cây dứa dại lại không thể hiện hoạt tính đối vớicác chủng vi khuẩn Gram (-) và nấm ở nồng độ IC50< 128µg/ml.
Kết luận
Nghiên cứu đã đạt được một số kết quả như sau:
– Thời gian chiết thích hợp 10g bột lá cây dứa dại và khối lượng cao chiết thu được khi chiết với dung môi hexane, dichloromethane và ethyl acetate lần lượt là 8 giờ (0,771g), 10 giờ (1,421g) và 8 giờ (1,080g).
– Thời gian chiết thích hợp 10g rễ non cây dứa dại và khối lượng cao chiết thu được khi chiết với dung môi hexane, dichloromethane và ethyl acetate lần lượt là 12 giờ (1,473g), 12 giờ (0,430g) và 14 giờ (0,662g).
– Bằng phương pháp GC-MS đã định danh được 24 cấu tử trong dịch chiết lá cây dứa dại trong các dung môi hữu cơ. Trong đó số cấu tử được định danh của dịch chiết hexane, dichloromethane và ethyl acetate lần lượt là 15 cấu tử, 21 cấu tử và 17 cấu tử. Trong dịch chiết rễ non cây dứa dại trong các dung môi hữu cơ có 24 cấu tử được định danh. Trong đó số cấu tử được định danh của dịch chiết hexane, dichloromethane và ethyl acetate lần lượt là 15 cấu tử, 7 cấu tử và 19 cấu tử.
– Cao chiết methanol của lá và rễ non cây dứa dại thể hiện hoạt tính ức chế đặc hiệu với sự phát triển của chủng vi sinh vật Gram (+) Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis với giá trị IC50 lần lượt là 80,0µg/ml, 26,0µg/ml đối với lá dứa dại và 88,47µg/ml, 40,73µg/ml đối với rễ non cây dứa dại.
Các cấu tử được định trong lá và rễ non cây dứa dại hầu hết đều có hoạt tính sinh học mạnh, chống tăng sinh tế bào ung thư, kháng khuẩn, kháng viêm… Điều đó đã minh chứng một cách khoa học cho việc sử dụng cây dứa dại để chữa bệnh trong dân gian từ trước đến nay.
Nguồn: Phùng Thị Ái Hữu, Bùi Ngọc Phương Châu, Đào Hùng Cường (2016), Nghiên cứu chiết tách và xác định thành phần hóa học trong một số dịch chiết của lá và rễ non cây dứa dại ở Hội An, Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 6(1), tr. 5-9.