Ngũ vị tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây ngũ vị tử, còn được gọi với những cái tên khác như huyền cập, ngũ mai tử, sơn hoa tiêu. Ngũ vị tử (ngũ mai tử) là vị thuốc đa tác dụng, được sử dụng để điều trị các bệnh như viêm gan mạn tính, di mộng tinh, thận hư gây đau lưng, hen suyễn, tỳ thận hư hàn…
1. Thông tin khoa học
- Tên tiếng Việt: Ngũ vị tử, Sơn hoa tiêu
- Tên khoa học: Schisandra chinensis (Turcz) Baill.
- Họ: Schisandraceae (Ngũ vị tử)
2. Mô tả
- Dây leo to, dài 5 – 7m, có thể hơn. Thân cành màu xám nâu, có nốt sẩn, cành non hơi có cạnh.
- Lá mọc so le, hình trứng, dài 5 – 11cm, rộng 3 – 7cm, gốc thuôn hẹp, đầu có mũi nhọn, mép khía răng nhỏ, mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới có lông ngắn ở gân những lá non; cuống lá dài 1,5 – 3cm.
- Hoa đơn tính, khác gốc: tràng có 6 – 9 cánh, màu vàng trắng, có mùi thơm; nhị 5.
- Quả mọng, hình cầu, dường kính 5 – 7mm, khi chín màu đỏ sẫm; hạt 1 – 2.
- Mùa hoa: tháng 5-7; mùa quả: tháng 8-9.
3. Phân bố, sinh thái
Ở Việt Nam, có 4 loài, trong đó 2 loài thuộc chi Schisandra Michx (S. coccinea Michx; S. chinensis Baill.) và 2 loài thuộc chi Kadsura Juss. (K. longipedunculata Finet. et Gagnep.). Quả của các loài này được dùng làm thuốc với tên gọi chung là “ngũ vị tử” hay “ngũ vị tử nam”. Riêng loài ngũ vị tử (S. chinensis Baill.) đã được phát hiện ở một số vùng núi cao giáp biên giới Trung Quốc, như Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát); Lai Châu (Phong Thổ, Sìn Hồ). Loài này còn gặp nhiều ở Trung Quốc.
Ngũ vị tử thuộc loại dây leo sống nhiều năm, thường xanh, ưa sáng hoặc có thể hơi chịu bóng, ưa sống ở vùng có khí hậu ẩm mát núi cao từ 1300 đến 1600m. Cây thường mọc trùm lên các cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ ở ven rừng ẩm, bờ nương rẫy hoặc mọc lẫn vào các kiểu rừng non đang tái sinh. Cây mọc ở vùng Xà Xén (xã Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) thấy ra hoa quả nhiều hàng năm; đến cuối mùa thu quả chín; rụng xung quanh gốc cây mẹ. Quả ngũ vị tử chín còn được một số loài chim, sóc ăn và phát tán hạt giống đi khắp nơi.
4. Công dụng
Ngũ vị tử được dùng tri phế hư, ho tức ngực, suyễn, miệng.khô khát nước, mỏi mệt, thận hư, liệt dương, di tinh, mồ hôi trộm, tả lỵ lâu ngày, đái dầm. Mỗi lần uống 2 – 4g, ngày 3 lần dạng thuốc sắc hoặc bột. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, ngũ vị tử được dùng để hồi phục sức khỏe, làm thuốc bổ, thuốc làm săn, trị lỵ, bệnh lậu, cảm lạnh, say sóng, viêm phế quản, hen phế quản, phối hợp với các dược liệu khác. Ngày uống 5 – 15g quả và hạt dưới đạng thuốc hãm vói nước nóng, thuốc sắc, bột và rượu thuốc.
5. Bài thuốc chữa bệnh từ cây
1. Thu giữ mồ hôi (Có biểu liễm hãn)
Nguyên liệu: 63g ngũ mai tử; 125g bá tử nhân, 125g bán hạ; ma hoàng căn, mẫu lệ, bạch truật, nhân sâm, mỗi vị 63; đại táo 30 quả
Cách làm:
- Nấu nhừ đại táo, nghiền nát bỏ hạt
- Các vị thuốc khác nghiền thành bột mịn rồi nhào với nước đặt
- Cho đại táo vào làm hoàn, hoàn to bằng hạt ngô hoặc có thể dùng ở dạng bột
- Dùng 2 lần/ngày, mỗi lần 20 – 30 viên
Công dụng: Củng cố ngoài biểu, thu giữ mồ hôi, chữa chứng tự ra nhiều mồ hôi hoặc mồ hôi trộm, cơ thể suy nhược.
2. Sạch phổi ngừng ho
Nguyên liệu: 6g ngũ mai tử, 12g đảng sâm, 12g mạch môn đông, 12g tang phiêu tiêu
Cách làm:
- Sắc các vị thuốc trên với nước uống ngày 1 thang để chữa phế hư, ho hen suyễn,
3. Ích thận, cố tinh
Nguyên liệu: 12g tang phiêu tiêu, 12g long cốt, 12g phụ tử, 8g ngũ mai tử
Cách làm:
- Sắc với nước uống hoặc làm thành viên hoàn chữa thận dương hư, hoạt tinh
4. Chữa tân sinh chỉ khát
Nguyên liệu: 6g ngũ mai tử, 12g đảng sâm, 12g mạch đông
Cách làm:
- Sắc với nước uống ngày 1 thang chữa tân dịch không đủ, miệng khô khát nước.
5. Người già phổi yếu, thở suyễn
Nguyên liệu: 5g ngũ mai tử, 12g sa sâm bắc, 10g mạch môn đông, 10g ngưu tất
Cách làm:
- Lấy các vị thuốc trên sắc với nước uống ngày 1 thang.
6. Chữa di mộng tinh
Nguyên liệu: 250g hồ đào nhân, 100g ngũ mai tử
Cách làm:
- Ngũ vị tử ngâm với nước khoảng nửa ngày cho mềm rồi tách bỏ hạt
- Sao cùng hồ đào, để nguội rồi tán thành bột mịn
- Bảo quản trong hũ thủy tinh, mỗi ngày lấy 9g uống với nước sôi hoặc nước hồ cơm.
7. Chữa viêm gan mạn tính với ngũ vị tử
- Dùng ngũ mai tử sao khô, tán mịn, cho vào hũ thủy tinh bảo quản
- Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, dùng 1 đợt gồm 30 ngày
- Uống với nước sôi hoặc nước hồ cơm, có thể thêm chút muối đường cho dễ uống.
8. Chữa thận hư gây đau lưng, nước tiểu đục, cứng xương sống
Nguyên liệu: 100g ngũ mai tử
Cách làm:
- Ngũ vị tử đem sấy khô, tán thành bột mịn rồi hoàn thành viên, hoàn to bằng hạt đậu
- Mỗi ngày uống 30 viên với giấm
9. Chữa tỳ thận hư hàn gây tiêu chảy
Nguyên liệu: 6 – 8g ngũ mai tử, 8g nhục đậu khấu, 16g bổ cốt chỉ, 4g ngô thù du
Cách làm:
- Dùng các vị thuốc trên tán thành bột mịn, trộn với nước sắc đại táo và gừng tươi
- Mỗi lần lấy 6 – 12g uống với nước muối ấm, dùng trước khi đi ngủ.
Bên cạnh các bài thuốc chữa bệnh, người ta còn dùng ngũ mai tử làm dược thiện để bồi bổ, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Có thể kể đến như:
1. Tim lợn hầm ngũ mai tử
Nguyên liệu: 1 cái tim lợn, 9g ngũ mai tử
Cách làm:
- Tim lợn rạch mở, rửa sạch, bỏ ngũ vị tử vào khâu lại, đem hầm cách thủy
- Thấy chín thì tắt bếp, ăn khi còn nóng
Công dụng: Chữa mất ngủ, thở gấp, hồi hộp loạn nhịp tim, vã mồ hôi, khát nước, kích ứng.
2. Rượu nhân sâm ngũ vị câu tử
Nguyên liệu: 30g ngũ mai tử, 10 – 20g nhân sâm, 30g câu kỷ tử, 500ml rượu
Cách làm:
- Ngâm rượu với các nguyên liệu đã chuẩn bị
- Trước khi đi ngủ uống 15 – 20ml rượu nhân sâm ngũ vị câu kỷ
Công dụng: Chữa mất ngủ, hồi hộp, suy nhược thần kinh, đánh trống ngực.
Lưu ý khi sử dụng
Khi dùng vị thuốc ngũ mai tử, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không dùng cho người bên trong có thực nhiệt, bên ngoài có biểu tà
- Không dùng cho người viêm khí phế quản mới khởi phát gây ho
- Không dùng cho phụ nữ mang thai vì ngũ vị tử có khả năng gây co bóp tử cung
- Không dùng cho người mắc bệnh dạ dày vì dược liệu này có thể làm tăng tiết dịch vị dạ dày
- Không dùng cho người ho, mới phát ban, nhiệt thịnh
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nếu đan dùng các thuốc như thuốc chuyển hóa qua gan, Tacrolimus, thuốc chống đông máu warfarin… vì có khả năng gây tương tác với các thuốc này. Không dùng khi gặp các vấn đề như ợ nóng, phát ban da, chán ăn, đau dạ dày…