Sâm ngọc linh là thảo dược rất tốt cho cơ thể và mang giá trị kinh tế cao. Do đó, việc nghiên cứu để nhân giống và trồng sâm ngọc linh rất được quan tâm. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có thể trồng được và đòi hỏi phải có phương pháp canh tác phù hợp. Vậy cách trồng loại sâm này như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Điều kiện phù hợp để trồng sâm ngọc linh
Sâm Ngọc Linh là loại cây quý hiếm, có giá trị cao và được mệnh danh là “vua của các loại sâm”. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh khá phức tạp và đòi hỏi nhiều điều kiện đặc biệt.
Khí hậu
Ở Việt Nam có một số nơi có điều kiện khí hậu tốt để trồng sâm ngọc linh như Quảng Nam, Kon Tum, Lâm Đồng, Sơn La… Một số điều kiện khí hậu nhất định phù hợp để trồng loại sâm quý này như sau:
Nhiệt độ: Sâm ngọc linh ưa mát mẻ, không chịu được nóng và lạnh gay gắt. Nhiệt độ lý tưởng để trồng sâm ngọc linh dao động trong khoảng từ 14 – 18°C, thấp nhất từ 8 – 10°C, cao nhất từ 25°C.
Độ ẩm: cần độ ẩm cao để phát triển tốt, nhưng cũng cần có hệ thống thoát nước tốt để tránh úng nước. Độ ẩm trung bình từ 85 – 90%, đủ ẩm về mùa khô.
Lượng mưa: cần lượng mưa dồi dào để cung cấp độ ẩm cho cây, nhưng cũng cần có thời gian khô ráo để tránh thối củ. Nên lượng mưa trung bình từ 2.800 – 3.400 mm/năm, và có lượng mưa khá trong các tháng mùa khô (từ tháng 3 – 7).
Đất đai
Phần đất đai để trồng sâm nên đáp ứng các yêu cầu sau:
Ánh sáng: sâm ngọc linh ưa thích bóng râm, cần được che chắn bởi tán rừng nguyên sinh, với độ che phủ từ 70 – 90%. Do ánh sáng trực tiếp mặt trời có thể làm cháy lá và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Độ cao: sâm phải được trồng ở nơi có độ cao từ 1.500m trở lên, lý tưởng nhất là từ 1.800 – 2.000m. Đất phải có độ mùn hữu cơ dày, giàu dinh dưỡng.
Chuẩn bị giống trước khi trồng sâm ngọc linh
Việc chuẩn bị giống trước khi trồng sâm ngọc linh là một trong những công đoạn quan trọng nhất để đảm bảo sự phát triển tốt của cây.
Lựa chọn hạt giống: Hạt giống sâm ngọc linh cần được thu hoạch từ những cây mẹ khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, có tuổi từ 4 năm trở lên, đạt chứng nhận nguồn giống theo quy định. Thời gian thu hái từ tháng 7 – 9 hàng năm. Nên chọn những hạt to, mẩy, có màu đỏ tươi, có chấm đen trên đầu, vỏ sáng bóng và không bị sứt mẻ.
Xử lý hạt giống: Hạt giống sau khi thu hoạch về, rải ra nia có lót lớp giấy, để ở nơi thoáng mát trong 3 – 4 ngày cho hạt khô ráo.
Khi phần thịt quả chuyển sang mọng nước, lấy tay chà sát hạt để loại bỏ phần thịt và lấy phần hạt. Sau đó phần hạt này tiếp tục rải mỏng vào nia có lót giấy khoảng 2 – 3 ngày nữa thì gieo ươm.
Theo kinh nghiệm, sau khi lấy được phần hạt có thể ngâm trong dung dịch tỏi khoảng 30 – 45 phút. Nồng độ tỏi thường là 10 – 15%, tức là 1 – 1,5kg tỏi giã nhỏ ngâm trong 10 lít nước, lọc lấy nước. Nó sẽ giúp ngăn ngừa một số nấm bệnh và tăng sức đề kháng cho cây con.
Gieo hạt:
- Thời gian gieo từ tháng 7 – 9 hàng năm.
- Chuẩn bị luống gieo bằng đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Lên luống cao khoảng 20 – 30 cm, rộng 0,8 – 1 m, dài tùy theo diện tích.
- Gieo hạt sâm ngọc linh trực tiếp xuống luống hoặc gieo vào bầu ươm. Rạch hàng sâu 2 – 3 cm, hàng cách hàng 5 – 7cm, gieo mỗi hạt cách nhau từ 3 – 5cm. Sau khi gieo xong, lấy chổi xương quét một lớp mùn mỏng để lấp hạt. Có thể phủ một lớp lá rừng để giữ ẩm và ấm cho hạt.
- Phủ mái vòm che luống bằng lưới đen để ngăn ngừa mưa lớn, ủ ấm khi nhiệt độ thấp.
- Xung quanh rải thuốc kiến để ngăn chặn kiến tha hạt sau khi đã gieo.
- Khoảng 4 tháng sau khi gieo, hạt sẽ nảy mầm và phát triển thành cây con.
Chăm sóc cây con: Tưới nước thường xuyên cho cây con, giữ ẩm cho đất nhưng tránh úng nước. Bón phân định kỳ cho cây con bằng phân hữu cơ và phòng trừ sâu bệnh hại cho cây con. Lưu ý nên rào chắn cẩn thận để tránh chim, chuột và các động vật khác đến phá.
Chọn cây giống: Sau 1 – 2 năm, cây con sâm ngọc linh có thể được chuyển ra trồng ngoài vườn. Cần chọn những cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, có bộ lá xanh tốt và rễ phát triển mạnh. Bứng cây con nhẹ nhàng, cẩn thận để tránh làm gãy rễ.
Kỹ thuật trồng sâm ngọc linh chuẩn
Dưới đây là một số kỹ thuật cần lưu ý khi sử dụng sâm ngọc linh:
Thời điểm trồng
Có thể trồng sâm ngọc linh quanh năm nhưng do phụ thuộc vào điều kiện cây giống nên thời điểm tốt để trồng từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Ngoài ra, với cây giống hơn 1 năm tuổi, có thể trồng thêm vào tháng 3 – 5.
Trong giai đoạn này, nhiệt độ và lượng mưa ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây. Việc trồng vào thời điểm này cũng giúp sâm tránh được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, như nắng gắt, đảm bảo cây có nền tảng vững chắc để phát triển lâu dài.
Chuẩn bị đất trồng, thiết kế vườn
Vùng đất trồng sâm ngọc linh phải còn giữ kết cấu rừng tự nhiên và có độ che phủ từ 70% trở lên. Để trồng cần chọn loại đất tơi xốp, che chắn, rải mùn núi dài từ 15 – 20cm.
Chuẩn bị các băng trồng đồng mức, cao từ 20 – 30cm. Nếu có điều kiện sử dụng túi kẽm hoặc bọc nhựa bao quanh.
Về thiết kế nhà vườn, nên lắp đặt lưới che đen giúp bảo vệ cây khỏi ánh nắng trực tiếp và mưa lớn. Bên cạnh đó, đảm bảo có thể tưới, thoát nước để duy trì độ ẩm đồng đều, tránh ngập úng. Thiết kế lối đi giữa các luống trồng cũng cần được chú ý để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch sâm.
Mật độ trồng
Mật độ trồng sâm Ngọc Linh phụ thuộc vào độ tuổi cây giống và diện tích trồng. Thông thường, mật độ trồng dao động 25 cây/m2, khoảng 20.000 – 25.000 cây/ha (bình quân trên diện tích thiết kế gồm cả phần rừng không tác động).
Khoảng cách: Khoảng cách trồng giữa các cây sâm ngọc linh thường là 20-30 cm, khoảng cách giữa các hàng là 40-45 cm. Điều này giúp đảm bảo đủ không gian cho cây phát triển và hấp thụ dinh dưỡng, đồng thời tạo sự thông thoáng để hạn chế sâu bệnh
Cách trồng: Khi trồng, đào hố sâu khoảng 6-8 cm, đường kính 8 – 10cm. Đặt cây con vào hố, giữ cho gốc cây thẳng đứng, cổ rễ ngang với mặt đất, sau đó phủ đất nhẹ nhàng quanh gốc và nén để cố định cây. Tưới nước nhẹ nhàng để đất ẩm, tránh ngập úng.
Chăm sóc vườn sâm
Trong khi cây sinh trưởng, cần chăm sóc cây thường xuyên đảm bảo tưới nước, làm cỏ, bón phân… giúp cây phát triển tốt. Trong năm đầu cần theo dõi và dặm lại những cây chết, đồng thời phát dọn các cây leo, bụi rậm tái sinh.
Tưới nước
Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây để đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, đặc biệt vào mùa khô nhưng tránh tình trạng tưới quá nhiều có thể gây hại cho cây.
- Tưới nước cho sâm ngọc linh thường xuyên, giữ ẩm cho đất nhưng tránh úng nước. Lượng nước tưới cần điều chỉnh theo mùa và độ ẩm của đất.
- Nên tưới nước vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Làm cỏ
- Làm cỏ thường xuyên để loại bỏ cỏ dại cạnh gốc cây, tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sâm ngọc linh. Tuy nhiên, không nên làm cỏ vào mùa mưa, nhất là khi cây ngủ đông để ngăn ngừa rửa trôi, xói mòn đất.
- Cần cẩn thận khi làm cỏ để không làm ảnh hưởng đến rễ cây.
Bón phân
- Bón phân cho sâm định kỳ 2 – 3 tháng/lần bằng phân hữu cơ hoại mục hoặc phân vi sinh. Tốt nhất là dùng mùn núi dày khoảng 2cm hoặc chế phẩm vi sinh ủ với lá khô, lá mục.
- Lượng phân bón cần điều chỉnh theo độ tuổi và giai đoạn phát triển của cây.
- Nên bón phân vào đầu mùa mưa hoặc sau khi thu hoạch củ sâm.
- Thường xuyên kiểm tra để phát hiện côn trùng, sâu bệnh… có biện pháp xử lý kịp thời.
Các bệnh thường gặp khi trồng sâm ngọc linh và cách xử lý
Có 3 bệnh phổ biến và nguy hiểm trong quá trình canh tác sâm ngọc linh mà người trồng nào cũng cần chú ý là:
Bệnh đốm vàng
Bệnh đốm vàng là một trong những nguy cơ lớn gây tổn hại đáng lo ngại đối với cây sâm Ngọc Linh. Bệnh do nấm Alternaria alternata gây ra. Triệu chứng ban đầu là xuất hiện các chấm vàng nhỏ như mũi kim, sau đó lan rộng thành hình tròn có quầng vàng. Nặng lá sẽ rách táp, gây ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây.
Để đối phó với bệnh nấm này trên cây sâm ngọc linh, cần xử lý bằng TKS – MEGA POWER, hay TKS – Vôi sữa phun đều ướt lá. Định kỳ phun 15 – 20 ngày/lần, giảm liều từ lần phun thứ 3. Đồng thời duy trì vệ sinh vườn, loại bỏ lá rụng và cỏ dại là rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Bệnh chết rạp cây con:
Nguyên nhân do nấm Rhizoctonia solani và nấm Phytophthora sp gây ra. Đây là đối tượng gây hại nguy hiểm nhất với cây sâm ngọc linh. Các triệu chứng thường gặp: ban đầu vết hoại tử ở lá, thân sau đó lây lan cả cây, thân cây chết đứng và không có dấu hiệu tái sinh.
Cách xử lý: Trong trường hợp nhẹ, tỉa phần lá bị bệnh, cây bệnh nên nhỏ bỏ. Sau đó phun các loại thuốc trừ nấm gốc đồng như Vaccin + siêu đồng. Phun làm 2 lần cách nhau 3 – 5 ngày.
Bệnh chết rạp cây con gây thiệt hại rất lớn cho nhà vườn, do đó cần chủ động phòng trừ ngay từ đầu bằng cách sử dụng WAO BOOM tưới đất. Nó sẽ giúp tiêu diệt sạch nấm gây hại và giúp tăng sức đề kháng, kích hạt nhạy nảy mầm, hấp thu dưỡng chất cho cây.
Bệnh gỉ sắt:
Nguyên nhân là do nấm Puccinia sp gây ra. Trên lá sâm Ngọc Linh xuất hiện các đốm vàng nhỏ, sau đó lan rộng thành các mảng lớn, phát triển thành khối u nổi bên trong chứa bột từ vàng rồi đậm dần, lan toàn bộ lá và khiến lá bị rụng dần.
Cách xử lý: Sử dụng các loại thuốc như Đồng Oxyclorua (THM) và Bạc Đồng PAV phun toàn bộ thân gốc là. Định kỳ phun 7 ngày/lần. Đồng thời, cắt bỏ và tiêu hủy những lá bệnh để tránh lây lan.
Lưu ý: Các bệnh này thường xuất hiện vào mùa mưa, do vậy cần tăng cường các biện pháp ngăn chặn sâu bệnh hại.
Cách thu hoạch sâm ngọc linh
Sâm Ngọc Linh có thể được thu hoạch sau 5 – 7 năm trồng, tùy thuộc vào điều kiện sinh trưởng và độ tuổi của cây. Sâm có thể thu hoạch vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Sâm ngọc linh đã đến tuổi thu hoạch củ sâm to, có nhiều mắt, thường số mắt tương ứng với số năm trồng.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Hướng dẫn cách ngâm rượu sâm ngọc linh chuẩn
Trên đây là toàn bộ thông tin về cách trồng sâm ngọc linh, bao gồm kỹ thuật chọn giống, trồng và chăm sóc sâm tự nhiên. Mong rằng bài viết giúp ích được cho bạn. Chúc bạn thành công với việc nuôi trồng và chăm sóc loài sâm quý giá này.