Hen phế quản là bệnh lý thuộc hệ hô hấp, khiến người bệnh có các biểu hiện vô cùng khó chịu như sổ mũi, hắt hơi, ho khan, khó thở… Vì vậy, việc sử dụng các bài thuốc nam được rất nhiều người bệnh quan tâm để làm giảm các triệu chứng của bệnh. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn 7 cách chữa hen phế quản bằng thuốc nam dễ làm mà hiệu quả. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Mục lục
1. Tìm hiểu về bệnh hen phế quản
Theo đông y, hen phế quản được gọi là “háo suyễn” xảy ra do sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Vì vậy, cổ họng người bệnh phát ra tiếng “cò cử” hay khò khè khi thở gọi là “háo” (hen) và việc hít thở khó khăn, khí đưa lên nhiều mà đưa xuống ít gọi là “suyễn”.
Bệnh hen phế quản có liên quan đến 3 tạng tỳ, phế và thận, với nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm:
- Ngoại tà xâm nhập do phong nhiệt hoặc phong hàn, tỳ hư sinh đàm ứ đọng…
- Ho lâu ngày khiến phổi bị suy yếu.
- Thận không thu nạp được khí, tỳ dương hư yếu, và thủy thấp làm ứ đọng sinh ra đờm…
Còn theo tây y, có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh như chế độ ăn uống không điều độ, không khí ô nhiễm, nhiễm trùng hô hấp, hoạt động thể lực quá sức…
Vì vậy, những bài thuốc nam có công dụng tán hàn, tiêu đờm, bổ phổi, giáng khí, nâng cao chức năng các tạng tỳ, phế và thận… sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích với hen phế quản trong lâu dài, giảm tần suất các cơn hen tái phát.
2. Tìm hiểu 7 cách chữa bệnh hen phế quản bằng thuốc nam
Khi đã hiểu được những đặc điểm về hen phế quản, có một số bài thuốc nam sau đã được sử dụng để điều trị bệnh:
2.1. Chữa hen phế quản bằng lá hẹ
Lá hẹ là một cây thuốc nam được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh hen. Loại cây này khi được nấu chín có tính ôn, vị cay, quy vào tạng thận, can. Nó có công năng điều hòa khí, tán ứ, giải độc giúp cải thiện các triệu chứng hen phế quản hiệu quả.
Có nhiều cách sử dụng lá hẹ khác nhau trong điều trị bệnh hen như sau:
– Chuẩn bị nguyên liệu: lá hẹ tươi 20 – 30g. Lá hẹ rửa sạch, để ráo nước.
– Các cách thực hiện như sau:
- Cách 1: Lá hẹ cho vào bát cùng với đường phèn, đem hấp trong nồi cơm hoặc đun cách thủy. Dùng mỗi ngày 2 lần.
- Cách 2: Lá hẹ cho vào bát cùng với gừng đập dập, đường phèn, đem hấp trong nồi cơm hoặc đun cách thủy. Dùng mỗi ngày 2 lần đến khi các triệu chứng được cải thiện.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể nấu các món ăn có lá hẹ như canh hẹ, trứng hấp lá hẹ… để điều trị hen phế quản.
2.2. Chữa hen phế quản bằng lá húng chanh
Một trong những biện pháp hiệu quả để chữa bệnh hen phế quản bằng thuốc nam là từ cây húng chanh. Loại cây này có tính ấm, vị chua the, quy vào phế giúp bổ phổi, tiêu đờm, sát khuẩn, thoái nhiệt, tiêu độc…
Nghiên cứu hiện đại cho thấy loại cây này có chứa hoạt chất carvacrol có tác dụng kháng khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hen phế quản.
Cách sử dụng lá húng chanh chữa hen phế quản đơn giản như sau:
– Chuẩn bị nguyên liệu: Lá húng chanh tươi 10 – 16g, đường phèn 1 thìa.
– Cách thực hiện:
- Lá húng chanh tươi rửa sạch, giã nhỏ.
- Cho lá húng chanh vào trong bát cùng với đường phèn, hấp trong nồi cơm điện hoặc hấp cách thủy khoảng 10 – 15 phút, gạn lấy nước, uống mỗi ngày 2 lần.
2.3. Chữa hen phế quản bằng lá ngâu
Một trong các phương pháp chữa bệnh hen phế quản bằng thuốc nam được nhiều người sử dụng là dùng lá ngâu.
Nó có vị cay ngọt giúp làm sạch phổi, giảm các chứng khó chịu ở ngực, giảm triệu chứng hen phế quản.
– Chuẩn bị các nguyên liệu sau: Lá ngâu 40g, bồ kết 5g, phèn chua 5g.
– Cách thực hiện:
- Các nguyên liệu trên cho vào nồi, đến khi sôi thì cho nhỏ lửa.
- Nước sắc trên uống liên tục trong 10 – 15 ngày để điều trị bệnh.
Tham khảo: Cách trị ho đờm khó thở hiệu quả bằng củ gừng
2.4. Chữa hen phế quản bằng bối mẫu
Cây bối mẫu, đặc biệt là phần dò phơi khô là một trong những loại thuốc nam được dùng để chữa bệnh hen phế quản. Theo nghiên cứu hiện đại, loại cây này có chứa các hoạt chất alkaloid như verticin, verticillin… và Mn, Cu, Zn… giúp long đờm, giảm ho hen.
Còn theo đông y, nó có vị ngọt, hơi đắng, quy về phế và tâm giúp thanh nhiệt tán kết, hóa đàm… nên thường được dùng để chữa hen phế quản, viêm khí phế quản, ho khan, đờm dính vàng đặc…
Có nhiều cách sử dụng bối mẫu để chữa bệnh hen phế quản như sau:
Cách 1: Lê hấp đường phèn, bối mẫu
– Chuẩn bị nguyên liệu: bối mẫu 3g, 1 quả lê to, đường phèn 6g.
– Cách thực hiện:
- Lê rửa sạch, gọt vỏ, thái nhỏ tách bỏ hạt.
- Bối mẫu tán thành bột.
- Cho tất cả các nguyên liệu đã sơ chế vào nồi, hầm chín. Người bị hen phế quản ăn hàng ngày vào buổi sáng và tối để cải thiện bệnh.
Cách 2: Cháo bối mẫu
– Chuẩn bị nguyên liệu: bối mẫu 10g, gạo tẻ 50g, đường phèn vừa đủ.
– Cách thực hiện:
- Gạo tẻ vo sạch, thêm đủ nước vào nấu cháo.
- Khi cháo chín thì cho đường phèn vào nồi, khuấy tan.
- Bối mẫu tán mịn, cho tiếp vào phần cháo trên, để lửa nhỏ đun sôi lăn tăn khoảng 5 – 10 phút là được.
- Người bị hen phế quản ăn nóng vào sáng và tối giúp cải thiện bệnh hiệu quả.
2.5. Chữa hen phế quản bằng lá hen
Lá hen là một bài thuốc nam quý giúp chữa bệnh hen phế quản hiệu quả. Loại cây này có vị đắng, hơi chát với công dụng tiêu đờm, tiêu độc, giáng nghịch, trừ ho… Vì vậy, nó mang lại nhiều lợi ích tốt cho người bệnh hen phế quản.
Còn theo nghiên cứu hiện đại, lá hen có tác dụng chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn được dùng để điều trị nhiều bệnh hô hấp như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản…
– Chuẩn bị các nguyên liệu sau:
- Lá hen 30g.
- Cúc tần 14g.
- Lá tía tô 8g.
- Đường vừa đủ.
– Cách thực hiện như sau:
- Lá hen lau sạch lông, đem phơi khô trong bóng dâm, sau đó tẩm mật ong sao vàng.
- Cúc tần và lá tía tô, rửa sạch, phơi khô, sao vàng.
- Các nguyên liệu này đem hãm với nước sôi trong bình kín. Có thể thêm đường cho dễ uống.
- Người bệnh uống nước sắc này trong ngày để cải thiện bệnh.
Tham khảo thêm: Một số dược liệu, vị thuốc cổ truyền và cây thuốc được sử dụng trong phòng và hỗ trợ điều trị SARS-CoV-2 ( COVID-19)
2.6. Chữa hen phế quản bằng nhọ nồi và lá cối xay
Một bài thuốc khác giúp chữa bệnh hen phế quản hiệu quả là từ cây nhọ nồi và lá cối xay.
Theo đông y, cỏ nhọ nồi có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, bổ gan thận… nên tốt cho người bị hen phế quản. Còn lá cối xay có tác dụng tán phong, giải độc, hoạt huyết, long đờm… Kết hợp 2 cây thuốc nam này sẽ giúp giảm các triệu chứng khó thở, ho hen… ở người hen phế quản.
– Chuẩn bị nguyên liệu: Lá nhọ nồi, lá cối xay mỗi thứ một nắm.
– Cách thực hiện: Các nguyên liệu trên rửa sạch, để ráo, đem sắc nước uống. Mỗi ngày uống thay nước trong ngày, dùng liên tục cho tới khi khỏi.
2.7. Chữa hen phế quản bằng lá táo
Lá táo ta có công dụng trừ mủ, sát khuẩn giúp hỗ trợ điều trị các tổn thương có nhiễm trùng. Theo nghiên cứu hiện đại, loại cây này có chứa nhiều vitamin A, C, Ca, P… và các hoạt chất khác giúp bồi bổ cơ thể, được dùng trong điều trị hen phế quản.
– Chuẩn bị nguyên liệu sau: Lá táo 200 – 300g. Để đem lại hiệu quả cao nhất nên lấy ở cây chưa ra quả, lá bánh tẻ.
– Cách thực hiện.
- Lá táo rửa sạch, sao vàng.
- Đem nguyên liệu trên đun với 600ml nước, đến khi sôi cho nhỏ lửa sắc còn 200ml.
- Uống nước sắc trên 2 lần trước bữa ăn 1 giờ và liên tục trong nhiều ngày. Sau khi sử dụng sẽ thấy các triệu chứng của bệnh hen phế quản giảm hẳn.
Tham khảo: Cách chữa bệnh viêm xoang bằng cây cỏ hôi
3. Lưu ý khi chữa bệnh hen phế quản bằng thuốc nam
Trong khi sử dụng thuốc nam để chữa hen phế quản người bệnh cần chú ý những thông tin sau để đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất:
- Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và sử dụng các bài thuốc phù hợp.
- Việc sử dụng bất cứ loại thuốc nam nào cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là khi người bệnh đang dùng thuốc tây để điều trị.
- Việc sử dụng thuốc nam cần đúng liều lượng và thực hiện đúng cách để đảm bảo các hoạt chất trong cây quy đúng vào các tạng trong cơ thể.
- Mua thuốc nam tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng, tránh dư lượng thuốc trừ sâu có trong cây.
- Bên cạnh sử dụng thuốc nam chữa bệnh hen phế quản, người bệnh cũng cần tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý… giúp tăng cường sức khỏe phổi và tim.
Trên đây là 7 bài thuốc nam chữa bệnh hen phế quản hiệu quả. Điều quan trọng là người bệnh nên đến các cơ sở y học cổ truyền để bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân giúp điều trị bệnh hiệu quả nhé!