Đánh cảm bằng củ ráy là mẹo chữa bệnh được áp dụng rộng rãi trong dân gian. Vậy phương pháp này được thực hiện ra sao? Hiệu quả chúng mang lại như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Mục lục
Tìm hiểu nhanh về củ ráy
Ráy là cây thân mềm, có hình dáng bên ngoài gần giống cây mùng (dọc mùng) hoặc khoai sáp. Ở nước ta, chúng mọc ở khắp nơi, nhất là những khu vực ẩm thấp.
Thân cây cao khoảng 30 – 140cm với phần dưới bò trên đất và bên trên thẳng đứng. Lá cây ráy có hình tim, kích thước lớn từ 8 – 45 cm và chiều dài từ 10 – 50 cm, cuống lá dài khoảng 15 – 120cm. Hoa của chúng thường mọc ở gốc cây, với hoa cái ở phía dưới và hoa đực ở phía trên. Quả ráy có hình dạng trứng, khi chín có màu đỏ.
Củ ráy được phát triển từ rễ của cây ráy với hình dạng dài, được chia thành từng đốt ngắn, bao phủ bên ngoài là một lớp vảy màu nâu hoặc nâu vàng. Đây cũng là bộ phận được sử dụng nhiều nhất của cây ráy trong các bài thuốc dân gian, đặc biệt trong việc trị chứng cảm hàn (cảm mạo, cảm lạnh).
Xem thêm: Củ ráy – công dụng, cách dùng
Cách đánh cảm bằng củ ráy
Cảm hay cảm hàn, cảm lạnh là tình trạng khá nhiều người gặp phải, thường xảy ra do tác động của thời tiết lạnh, đặc biệt là khoảng thời gian chuyển mùa. Khi bị cảm, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng ở đường hô hấp trên như ho có đờm, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, kèm theo cảm giác mệt mỏi, đau nhức trên toàn cơ thể…
Theo dân gian, củ ráy có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, bình suyễn, trừ đàm và giảm đau. Chúng cũng chứa các chất như vitamin A, D2, alocasin, men beta glucosidase, trygochin, isotrygochin, campestrol, redtinol… với khả năng kích thích niêm mạc miệng và cổ họng, hỗ trợ cải thiện cảm giác khô ngứa, đau rát họng khi ho. Ngoài ra, củ ráy cũng có khả năng hạ sốt vật lý nên thường được người xưa sử dụng để đánh cảm.
Tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), loại củ này cũng được nhiều người dân dùng sắc uống để chữa sốt rét và thũng độc.
Để thực hiện đánh cảm bằng củ ráy, ta có thể làm như sau:
Chuẩn bị: 1 củ ráy tươi, rửa sạch, cắt làm đôi.
Thực hiện:
- Lấy phần củ ráy đã cắt đôi, chà dọc xương sống và khắp vùng lưng.
- Nửa củ ráy còn lại đem thái mỏng, đun sôi kỹ với nước, chắt lấy 1 bát nước uống.
- Thực hiện khoảng 5 lần tình trạng cảm lạnh sẽ được cải thiện.
Tham khảo thêm: Tắm lá cây chó đẻ chữa mẩn ngứa cho trẻ
Đánh cảm bằng củ ráy có hiệu quả không?
Việc sử dụng củ ráy để chữa cảm hàn vốn được áp dụng rộng rãi trong dân gian, nhiều ý kiến cho rằng phương pháp này có thể làm giảm nhanh các triệu chứng liên quan. Tuy nhiên, kết quả thực tế có thể khác nhau ở mỗi người.
Mặt khác, tính đến nay tác dụng nó mang lại vẫn chưa được xác định rõ ràng. Thực tế phương pháp này vẫn chưa được chứng minh hiệu quả bởi bất kỳ nghiên cứu nào, cũng như chưa được công nhận bởi các tài liệu y khoa.
Dù vậy, đánh cảm bằng củ ráy vẫn được đánh giá tốt về độ an toàn, dễ thực hiện và không khó để tìm kiếm nguyên liệu với chi phí thấp. Nếu bạn không bị kích ứng thì hoàn toàn có thể thử áp dụng phương pháp này.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe, hiệu quả trong điều trị cảm hàn, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, chú ý giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để áp dụng biện pháp điều trị phù hợp trong trường hợp cần thiết, đặc biệt là các trường hợp có triệu chứng kéo dài.
Một số cách đánh cảm khác
Ngoài phương pháp đánh cảm bằng củ ráy, trong dân gian còn có nhiều mẹo đánh cảm khác. Ví dụ như
Đánh cảm bằng trứng gà và bạc
Chuẩn bị: 2 quả trứng gà, đồng bạc hoặc dây chuyền bạc nguyên chất.
Thực hiện:
- Luộc chín trứng gà, bóc vỏ, bỏ lòng đỏ, sau đó nhét bạc vào bên trong phần lòng trắng rồi lấy khăn vải dày bọc kín trứng.
- Để người bệnh nằm ở nơi kín gió, sử dụng khăn chứa trứng và đồng bạc vuốt nhẹ dọc từ đỉnh đầu xuống phía trước cơ thể, lần lượt qua trán, mũi, cằm, ngực, vai, cánh tay (cả phía ngoài và phía trong), mu bàn tay, lòng bàn tay, các ngón tay, bụng, mu bàn chân và ngón chân.
- Tiếp đến cạo gió ở các vị trí phía sau cơ thể gồm đầu, gáy, lưng, mông, lòng bàn tay, ngón tay, lòng bàn chân và ngón chân.
- Khi trứng nguội hẳn, thay trứng và đồng bạc mới rồi tiếp tục cạo gió.
Sau khi cạo gió, bạn có thể kiểm tra màu sắc của đồng bạc để xem tình trạng cơ thể. Theo quan niệm dân gian, đồng bạc sẽ chuyển màu đồng nếu bạn bị cảm nắng, đen nếu bạn bị cảm lạnh, nếu bạn cảm gió chúng sẽ có màu đen nhánh, và có cả hai màu nếu bạn cảm thấy nóng và lạnh cùng lúc.
Đánh cảm bằng dầu gió và bạc
Chuẩn bị: Dầu gió, thìa bạc hoặc đồng bạc.
Thực hiện:
- Cho người bệnh nằm thoải mái tại nơi yên tĩnh, kín gió.
- Để người bệnh thư giãn toàn thân rồi dùng thìa bạc hoặc đồng bạc đặt theo chiều thẳng đứng, dùng lực cạo từ sát xuống da, kết hợp thoa dầu nóng.
- Bắt đầu cạo cảm từ vùng cổ, gáy, trán, hai bên thái dương, bả vai, phía trong và ngoài hai cánh tay, mu và lòng bàn tay, ngón tay, lưng, ngực, bụng, bên trong và bên ngoài đùi, chân, lòng bàn chân, ngón chân. Có thể dùng lực mạnh hơn ở vùng lưng.
- Hãy thực hiện một cách từ từ và kéo dài đường cạo càng dài càng tốt.
Đánh cảm bằng gừng
Đánh cảm bằng gừng cũng là một trong những phương pháp thường được áp dụng cho người cảm lạnh.
Chuẩn bị: 100g gừng tươi, 1 chén rượu trắng.
Thực hiện:
- Gừng tươi rửa sạch, đập nhẹ cho dập.
- Sử dụng một chiếc khăn hoặc vải mỏng, đặt gừng vào bên trong, sau đó nhúng khăn hoặc vải chứa gừng vào chén rượu trắng.
- Bắt đầu quá trình cạo cảm bằng cách vuốt khăn (đã nhúng gừng) từ đỉnh đầu xuống dọc theo cơ thể, bao gồm các vùng như mặt, mũi, ngực, vai, cánh tay bên trong và bên ngoài, lòng bàn tay, mu bàn tay, ngón tay, bụng, bắp chân, lòng bàn chân, mu bàn chân, cuối cùng là ngón chân.
- Tiếp tục nhúng lại khăn bọc gừng vào chén rượu và tiếp tục vuốt nhẹ các vùng bao gồm đầu, ót, gáy, vai, lưng, mông, lòng bàn chân và các ngón chân.
Kết luận:
Đánh cảm bằng củ ráy là phương pháp trị bệnh dân gian dễ thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, công dụng giải cảm của củ ráy vẫn chưa được chứng minh khoa học. Việc nó có đem lại hiệu quả thực sự hay không sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể và cơ địa từng người.
Hy vọng nội dung này hữu ích với bạn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!