Trong y học phương Đông, cây quế được xem là 1 trong vị thuốc quý; sâm nhung, quế, phụ. Nhục quế có vị ngọt cay, tính nóng, thông huyết mạch làm mạnh tim, tăng sức nóng, chữa các chứng trúng hàn, hôn mê, mạch chạy chậm, nhỏ, sát trùng, các triệu chứng khó tiêu.
Mục lục
1. Mô tả cây
- Cây to, cao 10 – 20m. Cành hình trụ, nhẵn, màu nâu.
- Lá mọc so le, dày cứng và dai, hình mác, dài 12 – 25cm, rộng 4-8cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm bóng, mặt dưới màu xám tro, hơi có lông lúc còn non; gân 3, hình cung, nổi rõ ở mặt dưới, gân bên kéo dài đến đầu lá, gân phụ nhiều, song song; cuống lá to, dài 1,5-2cm, có rãnh ở mặt trên.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần đầu cành thành chùy dài 7-15cm; bao hoa gồm 6 phiến gần bằng nhau, màu trăng, dài 3mm, mặt ngoài có lông nhỏ.
- Quả hạch, hình trứng hoặc hình bầu dục, có cạnh dài 1,2 – 1,3cm, nằm trong đài tồn tại nguyên hoặc chia thùy. Vỏ và lá vò ra có mùi thơm.
- Mùa hoa: tháng 4-7; mùa quả: tháng 10-12.
2. Bộ phận dùng
Vỏ thân, vỏ cành non được phơi hoặc sấy khô (Quế chi). Vỏ thân được phơi khô trong bóng râm (Quế nhục). Tinh dầu từ cành hoặc lá.
Việc bóc vỏ hay tiến hành vào các tháng 4-5 và 9-10. Thời gian này cây có nhiều nhựa, dễ bóc vỏ, không sót lòng (nếu bóc sót lòng sẽ bị xem là kém giá trị). Vỏ bóc ở những vị trí khác được phân chia riêng và có các tên gọi khác nhau:
- Phần vỏ lấy từ dưới cách mặt đất từ 0,2–0,4m đến 1,2m gọi là quế hạ căn, không có giá trị cao.
- Phần vỏ từ 1,2m cách mặt đất trở lên đến chỗ thân cây chia cành thứ nhất được gọi là quế thượng châu. Đây là phần tốt nhất, có giá trị cao.
- Vỏ bóc ở những cành to sẽ được gọi là quế thượng biểu.
- Vỏ bóc ở cành nhỏ gọi là quế chi. Tên gọi này đôi khi cũng dùng để chỉ các cành non phơi khô.
3. Tính vị, công năng
Quế có vị ngọt, cay, mùi thơm, tính rất nóng, có tác dụng bổ hỏa, hồi dương, ấm thận tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích.
4. Công dụng
Quế được dùng làm thuốc cấp cứu bệnh do hàn như chân tay lạnh, mạch chậm nhỏ, hôn mê, đau bụng trúng thực, phong tê bại, chữa tiêu hóa kém, tả lỵ, thũng do tiểu tiện bất lợi.
- Ngày dùng 1- 4g dưới dạng thuốc hãm, hoàn tán hoặc mài vối nước mà uống.
- Kiêng kỵ : Những người âm hư, dương thịnh và phụ nữ thai nghén không nên dùng.
Chữa cảm mạo (Quế chi thang): Quế chi 8g, cam thảo 6g, thược dược 6g, sinh khương 6g, táo đen 4 quả, nước 600 ml, sắc còn 200 ml. Chia 3 lần uống nóng trong ngày.
Chữa đau bụng: Bột vỏ cành quế 4g, ngâm rượu uống.
Chữa tiêu chảy: Vỏ thân quế 4g – 8g, gạo nếp rang vàng 10g, hạt cau già 4g, gừng nướng 2 lát. sắc uống.
Chữa sai khớp, bong gân, chấn thương: Cao dán gồm hỗn hợp tinh dầu quế, hồi, menthol camphor, cao ngải cứu, cao cúc tần, được trộn đều vào hỗn hợp keo cao su.
Chữa thấp khớp mạn tính thể hàn (Trường hợp bênh đang tiến triển, có hoặc không sưng khớp và đau nhiều): Quế chi 12g, rễ cỏ xước 40g, hy thiêm 28g thổ phục linh 20g, cỏ nhọ nồi 16g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g, thiên niên kiện 12g. Sao vàng, sắc đăc ngày uống 1 thang, trong 7-10 ngày liền.
Chữa suy nhược cơ thể do bệnh đường tiêu hóa : Nhục quế 4g; đảng sâm, bạch truật, hoàng kỳ, đại táo, mỗi vị 12g; trần bì, ngũ vị tử, mỗi vị 6g; cam thảo 4g; gừng 2g. sắc uống ngày một thang.
Chữa viêm phế quản mạn tính: Quế chi 12g, phục linh 16g, bạch truật 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa nhồi máu cơ tim: Nhục quế 6g, đương quy, đan sâm, nhục thung dang ba kích, mỗi vị 12g; nhân sâm, phụ tử chế, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa viêm loét dạ dày tá tràng: Quế chi 8g; hoàng kỳ 16g; đại táo 12g; hương phụ, bạch thược, mỗi vị 8g; sinh khương, cam thảo, cao lương khương, mỗi vị 6g. sắc uống ngày một thang.
Chữa bế kinh, chậm kinh đau bụng: Quế chi 12g; ích mẫu, củ gấu, mỗi vị 20g; ngải cứu 16g; gừng sao cháy 12g. sắc uống ngày một thang.
Chữa viêm tắc động mạch: Quế chi 12g, đan sâm 20g, hoàng kỳ 20g, xuyên quy vỹ 16g, xích thược 12g, bạch chỉ 12g, nghệ 12g, nhũ hương 12g, một dược 12g, hồng hoa 12g, đào nhân 12g, tô mộc 12g. sắc uống ngày một thang.
Bạn đọc xem thêm: Sâm Nhung Quế Phụ – Tứ đại danh dược trong Đông Y
5. Ứng dụng quế trong đời sống hằng ngày
Theo y học hiện đại, quế chứa nhiều thành phần hóa học quan trọng có lợi cho sức khỏe được dùng trong phòng ngừa và điều trị bệnh.
Đảm bảo sức khỏe tim mạch
Quế giúp củng cố sức khỏe hệ tim mạch, do đó, khi ăn quế sẽ giúp tránh được các rắc rối liên quan tới tim mạch. Những người mắc bệnh động mạch vành và bệnh cao huyết áp chỉ cần cho 1 lượng quế nhỏ khi chế biến đồ ăn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Giảm đau do chứng viêm khớp
Trong quế có chứa nhiều hợp chất chống viêm nên có tác dụng làm giảm đau và viêm do bệnh thấp khớp gây ra.
- Một nghiên cứu của trường ĐH Copenhagen cho biết, nếu dùng nửa thìa bột quế và 1 thìa mật ong mỗi sáng sẽ giúp giảm đau khớp đáng kể , thậm chí có thể đi lại không đau sau 1 tháng dùng.
Giảm lượng đường máu và trị bệnh tiểu đường tuýp 2
Dùng nửa thìa quế mỗi ngày cũng có tác dụng tốt trong việc cải thiện mức độ nhạy cảm insulin và điều chỉnh lượng glucose trong máu.
Các bác sĩ cho biết, khi mức insulin được cải thiện, thì cân nặng và bệnh tim mạch cũng sẽ được kiểm soát.
Ngừa sâu răng và sạch miệng
Quế là một trong những loại thảo dược có tác dụng điều trị sâu răng và hơi thở có mùi. Do đó, nếu bạn đang có vấn đề về răng miệng chỉ cần nhai một mẩu quế nhỏ hay súc miệng với nước quế cũng giúp sạch miệng và mang lại hơi thở thơm tho.
Giảm các bệnh truyền nhiễm
Quế có khả năng chống khuẩn, chống nấm, chống vi rút, các vật ký sinh và cũng là chất khử trùng nên thường sử dụng như một loại thuốc chống viêm nhiễm cả bên trong và ngoài.
Các thành phần trong cây quế cũng rất hiệu quả trong việc chống lại bệnh nấm âm đạo, nấm vòm họng. ngừa bệnh viêm nhiễm vùng âm đạo, nhiễm trùng vòm họng, loét dạ dày và chấy trên đầu. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng làm giảm đau và viêm do bệnh thấp khớp gây ra.
Tốt cho hệ tiêu hoá
Việc sử dụng quế trong các bữa ăn bằng cách thêm quế vào món ăn hàng ngày sẽ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa vì giúp giảm bớt lượng khí gas trong dạ dày. Quế rất hiệu quả với chứng khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn dạ dày và chứng đầy hơi.
Lưu ý khi sử dụng quế:
- Gây tích tụ độc tố
- Gây dị ứng
- Giảm đường huyết
- Gây loét miệng, tổn thương gan và làm tăng nguy cơm gây bệnh ung thư.