Lê Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Nghĩa Thìn
HỘI NGHỊ KHOA HỌC TOÀN QUỐC VỀ SINH THÁI VÀ TÀI NGUYÊN SINH VẬT LẦN THỨ 4
Từ hàng ngàn năm về trước, mật gấu đã được sử dụng như một loại thuốc quý với tác dụng tiêu viêm, giải độc, bổ gan, sáng mắt… và được mọi người tin dùng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hậu quả là hàng loạt cá thể gấu đã bị biến mất khỏi thiên nhiên cho mục đích sử dụng mật gấu chữa bệnh và nhiều loài gấu hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy, việc tìm ra thuốc mới thay thế mật gấu có nguồn gốc từ thảo dược được xem như một biện pháp có sức thuyết phục, nhằm thay đổi thái độ tôn sùng mật gấu của bộ phận lớn người dân. Việt Nam là một quốc gia có số lượng loài thực vật rất lớn khoảng 12.000 loài, trong đó có rất nhiều loài được dùng làm thuốc chữa bệnh. Cùng với kinh nghiệm của 54 dân tộc, tri thức về dược liệu là vô cùng phong phú. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tiến hành điều tra những cây thuốc được người dân, các thầy thuốc Đông y ở một số địa bàn trong tỉnh Thái Nguyên sử dụng chữa bệnh thay thế mật gấu.
I. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp điều tra phỏng vấn:
- Phỏng vấn người dân, đặc biệt là các ông lang, bà mế người dân tộc Dao, Sán Dìu và các thầy thuốc Đông y về những kinh nghiệm sử dụng các loài cây làm thuốc có tác dụng chữa bệnh như mật gấu theo các tiêu chí trong “Phiếu điều tra cây thuốc thay thế mật gấu” của Viện Dược liệu.
Phương pháp thu thập và xử lý mẫu vật:
- Thu thập cây thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc thay thế mật gấu theo phương pháp phỏng vấn các thầy thuốc dân tộc Dao, Sán Dìu, các thầy thuốc Đông y ở khu vực nghiên cứu.
- Mẫu vật thu được ở thực địa đem xử lý tại phòng thí nghiệm của Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên.
Phương pháp phân tích và phân loại mẫu:
- Dựa trên phương pháp so sánh hình thái truyền thống, kết hợp với kinh nghiệm của các chuyên gia và các bộ sách chuyên ngành như: Thực vật chí Việt Nam, Cây cỏ Việt Nam (Phạm Hoàng Hộ), Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi); Cây thuốc Việt Nam trồng hái chế biến trị bệnh ban đầu (Lê Trần Đức); Cây thuốc, bài thuốc và biệt dược (Phạm Thiệp và cs.), Danh lục các loài thực vật Việt Nam… tiến hành xác định tên khoa học và lập danh lục cây thuốc.
Phương pháp đánh giá tính đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc:
- Các chỉ tiêu đánh giá tính đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc được dựa trên phương pháp đánh giá của Nguyễn Nghĩa Thìn (1997).
Phương pháp đánh giá mức độ nguy cấp:
- Theo Sách Đỏ Việt Nam (2007), theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và theo Cẩm nang Cây thuốc cần bảo vệ ở Việt Nam của Nguyễn Tập (2007).
II. Kết quả và thảo luận
1. Sự phong phú về thành phần loài cây thuốc thay thế mật gấu
Kết quả điều tra đã ghi nhận được 35 loài cây thuốc thuộc 27 chi của 21 họ trong 2 ngành thực vật bậc cao có tác dụng chữa bệnh như mật gấu (Bảng 1).
Bảng 1: Danh lục các loài cây thuốc sử dụng thay thế mật gấu ở khu vực nghiên cứu
Chú giải: DS: Dạng sống; G: Cây gỗ; Na: Cây bụi; Lp: Dây leo, leo gỗ; Th: Cây thảo một năm, lâu năm. BPSD: Bộ phận sử dụng; L: Lá; T: Thân; R: Rễ; Ha: Hạt; Cc: Cả cây. MTS: Môi trường sống; Đ: Sống ở đồi đất, đồi sỏi đá cằn; K: Sống ở nơi ẩm, ven suối; V: Sống ở vườn, bãi đất bằng; Ru: Sống ở rừng; H: Mọc hoang ở nhiều nơi. 1: Cao Lan; 2: Dao; 3: Đông y; 4: Sán Dìu; *: Dân tộc Dao và Tày (Phia Khao, Bản Thi, Chợ Đồn, Bắc Kạn).
Nhận xét:
- Ngành Ngọc lan là ngành có số lượng cây thuốc nhiều nhất với 34 loài (chiếm 97,14% tổng số loài) thuộc 26 chi (chiếm 96,3% tổng số chi); 20 họ (chiếm 95,24% tổng số họ).
- Tiếp đến là ngành Dây gắm có 1 loài (2,86% tổng số loài) thuộc 1 chi (chiếm 3,7% tổng số chi); 1 họ (chiếm 4,76% tổng số họ).
- Trong 21 họ thực vật có cây thuốc sử dụng chữa bệnh thay thế mật gấu, có 2 họ là Ranunculaceae và Menispermaceae có nhiều loài nhất, với mỗi họ có 4 loài (chiếm 9,52% tổng số họ). Còn lại, có 1 họ có 3 loài (chiếm 4,76%), 6 họ có 2 loài (chiếm 28,57%); có 12 họ chỉ phát hiện được 1 loài, chiếm 57,14% tổng số họ.
2. Đa dạng về bộ phận sử dụng, cách sử dụng và môi trường sống của cây thuốc
Các cây thuốc sử dụng thay thế mật gấu khá đa dạng và phong phú về bộ phận sử dụng. Trong đó, rễ là bộ phận được sử dụng làm thuốc thay thế mật gấu nhiều nhất với 21 loài. Sở dĩ như vậy bởi vì, theo kinh nghiệm người Dao, rễ là bộ phận có nhiều thành phần dược nhất. Dùng thân có 12 loài, dùng cả cây có 9 loài, dùng lá có 4 loài và dùng hạt có 1 loài. Về dạng sống của cây thuốc thay thế mật gấu, dựa vào bảng Danh lục chúng tôi đã thống kê được 16 loài thân thảo (Th), 9 loài dây leo (Lp), 7 loài thân bụi (Na) và 3 loài thân gỗ (G).
Các bộ phận của cây thuốc chủ yếu được chế biến theo phương pháp thái nhỏ, mỏng, hong khô rồi ngâm với rượu để uống kết hợp xoa bóp. Cách này chiếm tỷ lệ cao với 62,86% tổng số loài; chỉ ngâm rượu xoa bóp ngoài có 3 loài (Aconitum fortunei Hemsl. – Ô đầu, dùng rễ; Aconitum carmichaeli Debeaux – Ô đầu, dùng rễ; Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng., dùng hạt) chiếm 8,57%. Cách chế biến và sử dụng này được áp dụng cho các loài có độc tính. Cách băm nhỏ, phơi khô, sắc uống cũng được áp dụng phổ biến và chiếm 60%; cách dùng tươi (giã tươi đắp ngoài chỗ thương, vò ngọn non hoặc lá tươi uống) chiếm 31,43%.
Các cây thuốc được thu mẫu ở nhiều môi trường sống khác nhau, độ cao khác nhau (từ 100 – 2.500m). Chúng phần lớn mọc ở rừng (Ru) với 13 loài; còn lại, sống ở đồi (Đ) có 12 loài, ở vườn (V) có 10 loài. Số lượng cây thuốc thay thế mật gấu gặp ở ven suối, nơi ẩm rợp, ven khe suối trong rừng (K), chỉ có 2 loài; có 1 loài có môi trường sống phân bố rộng, mọc hoang (H) ở khắp nơi. Có 5 cây thuốc được các thầy thuốc Đông y trong Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên và nhiều người dân sử dụng không có ở khu vực nghiên cứu. Để có mẫu phân tích chúng tôi phải thu mẫu ở xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) (Mahonia bealii (Fortune) Pynaert, Mahonia nepalensis DC., Luculia sp.) và huyện Hòa An (Cao Bằng) (Aconitum carmichaeli Debeaux, Aconitum fortunei Hemsl.).
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có một điều đặc biệt là, rất nhiều cây thuốc có tác dụng chữa bệnh thay thế mật gấu thu được ở khu vực nghiên cứu có thân (Fibraurea tinctoria, Mahonia nepalensis, Luculia sp.) hoặc rễ (Tinospora sp., Coptis teea) có màu vàng rất tươi và có vị rất đắng. Đây có thể là đặc điểm quan trọng, dễ nhận biết loài cây thuốc có tác dụng thay thế mật gấu.
3. Những cây thuốc thuộc diện quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ
Trong số những cây thuốc chúng tôi thu được, có nhiều loài cây thuốc quý và hiện nay đang trở nên hiếm hoặc rất hiếm gặp. Kết thúc đợt điều tra, chúng tôi đã thống kê được 8 cây thuốc thuộc diện nguy cấp cần ưu tiên bảo vệ thuộc 6 chi, 5 họ của 1 ngành thực vật bậc cao là Magnoliophyta. Trong đó: 6 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 4 loài có tên trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và 5 loài trong Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2007).
Chú giải: CR (Critically Endangered): R ất nguy cấp ; VU (Vulnerable): Sẽ nguy cấp ; EN (Endangered): Nguy cấp; Nhóm IA: Thực vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại; Nhóm IIA: Thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Dựa vào Bảng 2, thống kê được:
* Theo thống kê trong Sách Đỏ Việt Nam: có 6 loài:
– Loài rất nguy cấp – CR có 1 loài: Coptis chinensis Franch. – Hoàng liên trung quốc, thuộc họ Hoàng liên (Ranunculaceae). Dùng toàn thân và đặc biệt là rễ để thay thế mật gấu; có tác dụng tiêu viêm, giải độc, ích gan. Hiện nay rất hiếm gặp ở khu vực nghiên cứu, đề nghị bảo vệ nghiêm ngặt những cá thể còn sót lại.
Coptis chinensis Franch. – Hoàng liên trung quốc
– Loài nguy cấp – EN có 2 loài:
+ Mahonia bealii (Fortune) Pynaert – Hoàng liên ô rô lá dày, thuộc họ Hoàng liên gai (Berberidaceae). Thân và rễ được sử dụng để thay thế mật gấu; có tác dụng tiêu viêm, giải độc, ích gan, khỏe cơ.
+ Mahonia nepalensis DC. – Mã hồ, thuộc họ Hoàng liên gai (Berberidaceae). Dùng thân và rễ để thay thế mật gấu; có tác dụng tiêu viêm, giải độc, ích gan, khỏe cơ.
Hai cây thuốc nói trên được các thầy thuốc trong Hội Đông y tỉnh sử dụng làm thuốc thay thế mật gấu. Tuy nhiên, ở khu vực nghiên cứu không có hai loài cây này nên chúng tôi phải điều tra và thu mẫu tại tỉnh Bắc Cạn. Hai cây thuốc gặp với số lượng rất ít ở rừng Phia Khao xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn. Theo người dân nơi đây, trước kia cây gặp rất nhiều và thân rất to nhưng nay do khai thác bừa bãi đã trở nên cạn kiệt, chỉ còn lại những cây 1 đến 3 năm tuổi.
– Loài sẽ nguy cấp – VU có 3 loài:
+ Asarum glabrum Merr. – Hoa tiên, thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae). Dùng cả cây đặc biệt là hoa để thay thế mật gấu; có tác dụng tiêu viêm, giải độc, ích gan, sáng mắt, chữa đau đầu và đau bụng do cảm gió… gặp ở rừng xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
+ Tinospora sagittata (Oliv.) Gagnep. – Củ gió, thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae). Rễ phình thành củ tròn, màu vàng được dùng để thay thế mật gấu; có tác dụng tiêu viêm, giải độc, ích gan, sáng mắt, chữa đau đầu và đau bụng do cảm gió… gặp ở rừng xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
+ Homalomena gigantae Engl. & K. Krause – Thiên niên kiện lá lớn , thuộc họ Ráy (Araceae). Rễ dài, phình to, có mùi rất thơm, màu trắng ngà dùng thay thế mật gấu; có tác dụng tiêu viêm, trị đau mỏi cơ, chữa vôi hóa cột sống… gặp ở rừng xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
Asarum glabrum Merr. – Hoa tiên
* Theo thống kê trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP: có 4 loài:
– Nhóm IA có 1 loài: Coptis chinensis Franch. – Hoàng liên trung quốc
– Nhóm IIA có 3 loài: Fibraurea tinctoria Lour. – Hoàng đằng, thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae), có thân và rễ màu vàng tươi, được dùng thay thế mật gấu; có tác dụng tiêu viêm, giải độc, nhức mỏi gân cơ, đau bụng, đau đầu do cảm gió. Cây được lấy mẫu tại xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Asarum glabrum Merr. – Hoa tiên và Asarum petelotii O. C. Schmidt – Tế hoa petelot.
* Theo thống kê trong Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam: có 5 loài:
– Loài rất nguy cấp – CR có 2 loài: Asarum glabrum Merr. – Hoa tiên và Coptis chinensis Franch. – Hoàng liên trung quốc.
– Loài nguy cấp – EN có 3 loài: Asarum petelotii O. C. Schmidt – Tế hoa petelot; Homalomena gigantae Engl. & K. Krause – Thiên niên kiện lá lớn và Mahonia nepalensis DC. – Mã hồ.
Theo đề xuất hiện nay, có 2 loài cây thuốc: Hoàng liên ô rô lá dày (Mahonia bealii (Fortune) Pynaert) và Hoa tiên (Asarum glabrum Merr.) cần được đưa vào diện rất nguy cấp – CR.
Những cây thuốc dùng thay thế mật gấu phổ biến trong dân, có nhiều cây nằm trong Sách Đỏ, thuộc diện quý hiếm và nguy cấp, không còn nhiều trong tự nhiên. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta khuyến khích người dân dùng thảo mộc thay thế cho mật gấu chữa bệnh nhưng cây thuốc thay thế cũng sắp cạn kiệt, vậy phải làm thế nào?
Câu trả lời không hề đơn giản khi mà môi trường sống của cây thuốc đang ngày càng bị thu hẹp nhanh chóng, đồng thời ý thức của người dân trong việc bảo vệ cây thuốc còn hạn chế. Để giúp người dân hiểu và làm theo, cần phải tuyên truyền để nhân dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển bền vững nguồn dược liệu, vai trò của đa dạng sinh học đối với đời sống con người và nâng cao trình độ dân trí cho người dân đặc biệt là ở vùng cao khó khăn.
Giải pháp trước mắt cho những cây thuốc dùng thay thế mật gấu là phải bảo vệ triệt để những cá thể còn sót lại, khoanh vùng bảo vệ, cấm khai thác cho mục đích thương mại. Về lâu dài, cần có những chính sách mở rộng, khuyến khích gây trồng nguồn dược liệu quý, đưa cây thuốc thành một trong những cây xóa đói giảm nghèo cho người dân; thu thập cây con và hạt giống trồng bảo tồn ngoại vi; vận động người dân cùng tham gia trồng và bảo vệ cây thuốc phục vụ cho chính bản thân, gia đình và đem lại lợi ích kinh tế cho người dân bản địa.
4. Bài thuốc dùng thay thế mật gấu ở khu vực nghiên cứu
Ở Việt Nam, mật gấu được sử dụng làm thuốc từ xa xưa. Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng mật gấu bôi để chữa trĩ lâu ngày. Theo kinh nghiệm dân gian, mật gấu được dùng phổ biến để chữa viêm tấy, đau nhức, tụ máu bầm tím do ngã hay chấn thương, hoàng đản, mụn nhọt, lở loét. Mật gấu cũng chữa mắt đau sưng đỏ, mắt có màng mộng, mật gấu đã được ứng dụng điều trị bệnh xơ gan.
Ngoài ra, mật gấu còn chữa viêm loét dạ dày, mật và tụy hoạt động kém, sỏi mật, viêm khớp, viêm xoang, đái đường, bệnh phụ khoa (phối hợp với nhiều vị thuốc khác). Một số trường hợp ung thư cũng đã được điều trị bằng uống mật gấu kết hợp với các phương pháp trị liệu khác như hóa trị liệu, chiếu xạ, phẫu thuật, bước đầu cho kết quả tốt.
Trong quá trình điều tra ở khu vực nghiên cứu, chúng tôi phát hiện được 35 cây thuốc được người dân tộc Dao, dân tộc Sán Dìu và các thầy thuốc Đông y ở tỉnh Thái Nguyên sử dụng chữa các bệnh thay thế cho mật gấu. Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn một số bài thuốc tiêu biểu đã sử dụng các cây thuốc trên để chữa bệnh thay thế cho mật gấu:
Bài số 1:
- 1. Răm rừng (Pittosporum sp.) – bộ phận dùng: thân.
- 2. Địa liền (Kaempferia galanga L.) – bộ phận dùng: rễ củ.
- 3. Mận rừng (Rhamnus crenatus Sieb. & Zucc.) – bộ phận dùng: rễ.
- 4. Hoa tiên (Asarum glabrum Merr.) – bộ phận dùng: cả cây hoặc hoa.
- 5. Tế hoa petelot (Asarum petelotii O.C. Schmidt) – bộ phận dùng: cả cây riêng hoa.
- 6. Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria Lour.) – bộ phận dùng: thân.
- 7. Nam hoàng (Fibraurea recisa Pierre) – bộ phận dùng: thân.
- 8. Rễ gió (Aristolochia contorta Bunge) – bộ phận dùng: thân, rễ.
- 9. Củ gió (Tinospora sp.) – bộ phận dùng: rễ.
- 10. Củ gió (Tinospora sagittata (Oliv.) Gagnep.) – bộ phận dùng: rễ.
- 11. Tiêu lá gai (Piper boehmeriaefolium Wall. [1832, nom. nud.] ex. Miq. var. tonkinensis C. DC) – bộ phận dùng: thân, rễ.
- 12. Lốt (Piper sarmentosum Roxb.) – bộ phận dùng: thân, rễ.
- 13. Rau răm (Polygonum ordoratum Lour.) – bộ phận dùng: thân.
Các bộ phận băm nhỏ, phơi khô, kết hợp ngâm rượu xoa bóp, uống (nếu không uống được rượu thì sắc uống) với lượng bằng nhau (Rau răm cho ít hơn) (ghi chép theo kinh nghiệm người Dao (Đồng Hỷ)).
Bài số 2:
- 1. Răm rừng (Pittosprum sp.) – bộ phận dùng: thân.
- 2. Hoa tiên (Asarum glabrum Merr.) – bộ phận dùng: cả cây hoặc hoa.
- 3. Tế hoa petelot (Asarum petelotii O.C. Schmidt) – bộ phận dùng: cả cây hoặc hoa.
- 4. Rau răm (Polygonum ordoratum Lour.) – bộ phận dùng: thân.
- 5. Rễ gió (Aristolochia contorta Bunge) – bộ phận dùng: thân, rễ.
- 6. Củ gió (Tinospora sp.) – bộ phận dùng: rễ củ.
- 7. Củ gió (Tinospora sagittata (Oliv.) Gagnep.) – bộ phận dùng: rễ củ.
- 8. Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria Lour.) – bộ phận dùng: thân.
- 9. Nam hoàng (Fibraurea recisa Pierre) – bộ phận dùng: thân.
Các bộ phận trên băm nhỏ, phơi khô, kết hợp ngâm rượu xoa bóp, uống với lượng bằng nhau (Rau răm cho ít hơn), khi nhỏ mắt thì hòa thêm chút mật ong trước khi nhỏ (Riêng hoa cây Hoa tiên ngâm rượu uống cũng cho mắt sáng.)
Bài số 3:
Ô đầu (Aconitum fortunei Hemsl.) hoặc Ô đầu (Aconitum carmichaeli Debeaux) -bộ phận dùng: rễ. Rễ thái lát ngâm rượu dùng xoa bóp ngoài khi bầm dập, thâm tím bên ngoài; không được uống (chỉ khi nào bị nội thương nặng do ngã đau mới được uống 1, 2 giọt nhỏ hòa loãng với nước).
Bài số 4:
Hoàng liên ô rô lá dày (Mahonia bealii (Fortune) Pynaert) – bộ phận dùng: thân, rễ. Các bộ phận băm, hong khô, ngâm với rượu uống hoặc xoa bóp ngoài.
Bài số 5:
Mã hồ (Mahonia nepalensis DC.) – bộ phận dùng: thân, rễ. Các bộ phận băm, hong khô, ngâm rượu uống hoặc xoa bóp.
Bài số 6:
Cây mật gấu (tiếng Tày “Đi mi” có nghĩa là cây mật gấu) – Luculia sp. – bộ phận dùng: thân, rễ. Các bộ phận băm nhỏ, hong khô, ngâm rượu uống hoặc xoa bóp ngoài rất hiệu quả và tốt cho cơ thể.
Bài số 7:
Hoàng liên trung quốc (Coptis chinensis Franch.) hoặc Hoàng liên (Coptis teeta Wall.) – bộ phận dùng: rễ. Rễ băm nhỏ, phơi khô, ngâm rượu uống hoặc sắc uống.
Bài số 8:
Gấc (Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng.) – bộ phận dùng: hạt. Hạt gấc nghiền nhỏ, ngâm với rượu xoa bóp ngoài chỗ thương. Rượu hạt gấc cũng có thể chữa trĩ, mụn nhọt.
Bài số 9:
Cốt khí củ (Reynoutria japonica Houtt.) – bộ phận dùng: rễ. Rễ thái lát mỏng, phơi khô, ngâm với rượu để uống và xoa bóp.
III. Kết luận
- Qua điều tra nghiên cứu bước đầu, chúng tôi đã thu được 35 loài thuộc 27 chi, 21 họ của 2 ngành thực vật bậc cao, được sử dụng làm thuốc chữa bệnh thay thế mật gấu ở một số địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
- Khu vực nghiên cứu có 8 loài cây thuốc quý hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam, thuộc 7 chi, 5 họ của 1 ngành thực vật bậc cao có mạch.
- Đã sưu tầm được 9 bài thuốc tiêu biểu được người dân tộc Dao, Sán Dìu, các thầy thuốc Đông y trong tỉnh Thái Nguyên sử dụng chữa bệnh thay mật gấu.