Tinh dầu hoa anh thảo là sản phẩm nổi tiếng hiện nay với vô số lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, có không ít người lo lắng về tác dụng phụ của nó. Vậy tinh dầu hoa anh thảo có thực sự an toàn? Nó có tác dụng phụ không? Tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Tinh dầu hoa anh thảo là gì?
Tinh dầu hoa anh thảo là chiết xuất từ hạt của cây hoa anh thảo (Oenothera biennis). Loài cây này thường mọc ở châu Âu và một phần của châu Á.
Trước đây, tinh dầu hoa anh thảo chỉ dành cho vua và hoàng hậu sử dụng để làm thuốc. Nó được mệnh danh là ‘king’s cure-all” (vua chữa bách bệnh) bởi vô số lợi ích cho sức khỏe mà nó mang lại.
Trong tinh dầu hoa anh thảo có chứa axit gamma-linolenic (GLA) – một loại axit béo omega-6 quan trọng cùng nhiều dưỡng chất khác như vitamin E, β-carotene… Chúng có tác dụng chống viêm, giảm đau, hỗ trợ cân bằng nội tiết tố, giảm triệu chứng mãn kinh, trị mụn trứng cá, duy trì tính đàn hồi mà mềm mại của da, ngăn ngừa quá trình lão hóa da, dưỡng ẩm cho tóc…
Vì vậy cho đến ngày nay, tinh dầu hoa anh thảo trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Tìm hiểu chi tiết: 9 công dụng tuyệt vời của tinh dầu hoa anh thảo – bạn có biết?
2. Tinh dầu hoa anh thảo có tác dụng phụ không?
Tuy rằng với nhiều lợi ích cho sức khỏe đã được chứng minh, vẫn có nhiều người lo lắng không biết tinh dầu hoa anh thảo có thực sự an toàn không? Nó có gây ra tác dụng phụ nào ảnh hưởng tới sức khỏe không? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Trong nghiên cứu gần đây, sử dụng tinh dầu hoa anh thảo với liều lượng 6g/ngày trong vòng 1 năm là an toàn, không thấy tác dụng phụ nào nguy hiểm.
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp sau khi sử dụng tinh dầu hoa anh thảo đã xuất hiện một số tác dụng ngoài ý muốn. Chúng thường là các triệu chứng tiêu hóa tạm thời ở mức độ nhẹ đến trung bình. Hay nặng hơn là phản ứng dị ứng, tương tác thuốc xuất hiện với tần suất thấp (rất hiếm gặp).
Cụ thể, các tác dụng phụ của tinh dầu có thể xuất hiện như:
2.1. Đau dạ dày, buồn nôn
Các chất trong tinh dầu hoa anh thảo có thể gây kích ứng hoặc tăng sản xuất acid dạ dày gây khó chịu, đau dạ dày, buồn nôn… khi dùng quá liều, đặc biệt ở những người mắc bệnh đường tiêu hóa.
2.2. Đau đầu, chóng mặt, đau bụng
Tinh dầu hoa anh thảo có thể gây tác động tới hệ thần kinh dẫn đến một số tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, cảm giác mệt mỏi…
2.3. Dị ứng
Trong rất ít trường hợp, người dùng có thể gặp phản ứng dị ứng sau khi sử dụng tinh dầu hoa anh thảo. Các biểu hiện có thể thấy như phát ban, ngứa, khó thở…
2.4. Tụt huyết áp
Ở một số đối tượng đang dùng thuốc huyết áp, tinh dầu hoa anh thảo có thể tăng tác dụng của thuốc làm giảm huyết áp nhiều hơn. Nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp.
2.5. Tăng nguy cơ chảy máu
Nếu dùng tinh dầu hoa anh thảo sai cách, đặc biệt là dùng chung với thuốc chống tiểu cầu, thuốc chống đông máu… nó có thể gây tăng nguy cơ chảy máu.
2.6. Tăng nguy cơ động kinh
Ở một số người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt hoặc các bệnh rối loạn tâm thần khác có uống phenothiazine, tinh dầu hoa anh thảo có thể tăng nguy cơ động kinh.
Qua nghiên cứu, các tác dụng phụ của tinh dầu hoa anh thảo này thường được thấy theo đường uống. Nguyên nhân là do người dùng sử dụng không đúng cách như uống quá liều, mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, kết hợp chung với những thuốc đang điều trị, bảo quản sai cách…
3. Ai không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo?
Qua tìm hiểu một số tác dụng phụ, dưới đây là một số đối tượng được khuyến cáo không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo:
- Người bị dị ứng với dầu hoa anh thảo: ở những người có cơ địa dễ dị ứng, người dùng nên thử sử dụng tinh dầu hoa anh thảo với một lượng nhỏ trước. Nếu có xuất hiện ngứa, phát ban, khó thở… thì không sử dụng sản phẩm trong trường hợp này.
- Người bị chảy máu hoặc rối loạn đông máu: Tinh dầu hoa anh thảo có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, bầm tím do vậy những đối tượng này không nên sử dụng.
- Những người chuẩn bị phẫu thuật trong 2 tuần tiếp theo cũng được khuyên rằng không nên uống sản phẩm chứa tinh dầu hoa anh thảo.
- Người bị co giật, rối loạn tâm thần: Tinh dầu hoa anh thảo làm tăng nguy cơ co giật ở những người đang sử dụng thuốc phenothiazin.
- Người đang uống thuốc làm loãng máu, thuốc huyết áp, thuốc chống trầm cảm: Tinh dầu hoa anh thảo làm tăng tác dụng của những thuốc này dẫn đến các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Người nhạy cảm với hormon: những người gặp vấn đề hormon như u tuyến giáp… cũng không nên dùng sản phẩm tinh dầu hoa anh thảo do nó có tác dụng như hormon.
- Trẻ em dưới 12 tuổi: Mặc dù không có giới hạn trên về độ tuổi sử dụng tinh dầu hoa anh thảo nhưng Cơ quan Dược phẩm Châu Âu có giới hạn dưới. Họ khuyên rằng trẻ em dưới 12 tuổi không nên sử dụng.
- Phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú: Có nhiều ý kiến khác nhau khi dùng tinh dầu hoa anh thảo cho phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú. Để đảm bảo an toàn không nên sử dụng cho đối tượng này trừ khi được bác sĩ chỉ định.
Vì vậy, trước khi mua tinh dầu hoa anh thảo, người dùng nên nói với bác sĩ, chuyên gia về các bệnh lý đang mắc phải hay các thuốc đang sử dụng để có hướng dẫn sử dụng viên uống hoa anh thảo an toàn nhất.
4. Hướng dẫn cách dùng tinh dầu hoa anh thảo để giảm tác dụng phụ?
Hầu hết các tác dụng phụ của tinh dầu hoa anh thảo xuất phát từ việc sử dụng không đúng cách, do đó người dùng nên tìm hiểu liều lượng, thời điểm uống hay lưu ý khi dùng trước khi sử dụng.
4.1. Đúng liều lượng
Đối với mỗi mục đích sử dụng như cải thiện làn da, giảm triệu chứng mãn kinh, tiền kinh nguyệt hay giảm mụn trứng cá… sẽ có một liều lượng riêng được khuyến cáo. Vì vậy, người dùng nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, các chuyên gia để sử dụng đúng liều lượng trong đúng thời gian.
Thông thường, liều lượng khuyến cáo là 1.000 – 3.000 mg mỗi ngày. Không nên sử dụng quá liều lượng được khuyến cáo này để đảm bảo an toàn.
4.2. Đúng thời gian uống
Việc sử dụng tinh dầu trong thời gian dài (trên 1 năm) chưa được nghiên cứu rõ ràng. Do vậy, người dùng không nên uống các sản phẩm chứa tinh dầu này trong thời gian dài.
Ngoài ra, thời điểm tốt nhất sử dụng tinh dầu hoa anh thảo là trong hoặc sau bữa ăn. Tuy nhiên, trong trường hợp gặp các vấn đề sức khỏe khác, bác sĩ có thể hướng dẫn thời điểm sử dụng phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Uống tinh dầu hoa anh thảo trong bao lâu thì dừng?
4.3. Những lưu ý khác
Bên cạnh việc sử dụng đúng liều lượng, thời điểm uống, có những lưu ý đặc biệt khác khi dùng tinh dầu hoa anh thảo bao gồm:
– Tương tác thuốc:
Không sử dụng tinh dầu hoa anh thảo với một số loại thuốc do nguy cơ tương tác như:
- Phenothiazine
- Thuốc làm loãng máu (thuốc làm chậm quá trình đông máu, thuốc chống tiểu cầu)
- Lopinavir và Ritonavir
- Lithium
- Thuốc được gan biến đổi (cơ chất của Cytochrome P450 2C9 (CYP2C9))
- Thuốc hạ huyết áp.
– Mua sản phẩm chứa tinh dầu hoa anh thảo tại các cơ sở uy tín, đảm bảo hàng chính hãng, nguyên chất không pha lẫn các tạp chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
– Trong quá trình sử dụng, nên bảo quản tinh dầu cẩn thận, đóng chặt nắp sau khi dùng. Bởi các hoạt chất tốt cho sức khỏe trong tinh dầu hoa anh thảo có thể bị biến đổi thành chất khác gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dùng gặp tác dụng phụ.